CN 1 Mùa Chay B: Chống lại cám dỗ

CN 1 Mùa Chay B: Chống lại cám dỗ

CN 1 Mùa Chay B: Chống lại cám dỗ

A. ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

1. Câu chuyện

Một buổi chiều, cha bề trên một tu viện kia hỏi một tu sĩ:

- Hôm nay con đã làm gì?

- Cũng như những ngày khác. - Tu sĩ trả lời - Con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của Chúa. Thưa cha, ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, dạy hai con diều hâu, thắng một con cá sấu, trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.

Cha bề trên cười hỏi lại:

- Con nói gì thế? Những việc như thế làm gì có trong tu viện này?

- Thưa cha bề trên, thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con, con phải gìn giữ cho nó luôn trong sáng, không để nó thu giữ những hình ảnh xấu xa. Hai con nai là hai chân của con, con phải luôn trông coi từng bước đi, để chúng bước đi trên nẻo chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay của con, con phải luôn bắt nó làm những việc tốt. Con cá sấu là cái lưỡi của con, con phải kìm hãm hằng ngày để nó khỏi thốt ra những lời nói thâm độc và thô bỉ. Con gấu là trái tim của con, con phải trừng trị để khỏi ích kỷ và phô trương. Còn bệnh nhân là chính thân xác con, con phải canh phòng ráo riết để nhục dục không xâm nhập và luôn lành mạnh.

2. Các Bài Đọc

Trên phương diện thần học, Hồng Thủy cho thấy một mặt, Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ và muốn cứu thoát những ai sống công chính và tuân theo lệnh Người; mặt khác, nhờ sự tuân phục của ông Nôê và lời chúc lành với giao ước của Thiên Chúa, vũ trụ được tái tạo và một nhân loại mới được sinh ra. (Bài đọc 1: St 9,8-15)

Một khi đã chịu Phép Rửa, chúng ta đã muốn cam kết trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, tức là từ bỏ bản thân mình để phục vụ Chúa và người khác cách vô vị lợi. Như thế, Phép Rửa sẽ tẩy rửa để làm cho chúng ta trở nên thụ tạo mới, được công chính hóa và làm một với Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, chúng ta sẽ được sống lại và tôn vinh giữa các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh trên Thiên Quốc cùng với Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. (Bài đọc 2: 1Pr 3,18-22)

Nước Thiên Chúa đã khai mở, để được tham dự vào Nước ấy chúng ta phải có thái độ đáp trả qua việc sám hối. Hành vi sám hối cụ thể nhất đó là canh tân đời sống, quay trở về với Thiên Chúa, nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu là Cứu Chúa của chúng ta và thể hiện niềm tin đó qua một lối sống dựa theo những đòi hỏi của Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. (Bài Tin Mừng: Mc 1,12-15)

3. Tin Mừng: Mc 1,12-15

Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

B. BỐI CẢNH TIN MỪNG

Trình thuật về cơn cám dỗ dù ngắn gọn, nhưng có nhiều ý nghĩa thần học. Mỗi hạn từ mang theo một truyền thống phong phú. Đối với người Israel cổ xưa, Thần Khí là sự biểu lộ của quyền năng Thiên Chúa. Đó là Thần Khí thúc đẩy các thủ lãnh làm cho họ đi cứu dân Israel khỏi tay các kẻ thù (Tl 3,10). Chính Thần Khí đã cung cấp cho các vua thống nhất các chi tộc vào một quốc gia (1 Sm 16,13). Chính Thần Khí đó đã thúc đẩy Đức Giêsu vào hoang địa.

Hoang địa không phải là nơi lãng mạn. Nó đầy những nguy hiểm. Các thú dữ ở đó, đó là nơi ở của các băng cướp, và những người bị loại bỏ khỏi xã hội. Nó cũng là nơi dân Israel bị thử thách (Ds 10, 11-21,34). Bị mất đi mọi sự hỗ trợ của xã hội, con người chỉ cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo truyền thống, hoang địa là nơi thử thách, và người ta đã thất bại nhiều lần.

Bốn mươi ngày mang ý nghĩa đặc biệt đối với ông Môsê và ngôn sứ Êlia. Ông Môsê dùng 40 ngày và 40 đêm để viết Thập Giới (Xh 34,28). Ngôn sứ Êlia ăn chay 40 ngày khi ông lên núi Hỏeb (1V 19,8). Chính trong truyền thống này mà Đức Giêsu đã ăn chay 40 ngày.

Lúc đầu, Satan được xem là đối thủ trong pháp lý, kẻ tố cáo người làm điều sai trái. Chỉ sau này, việc tố cáo phát triển thành sự xúi giục của quỷ dữ, và cám dỗ để ưng thuận với nó. Dần dần nhiều tính cách của quỷ dữ trộn lẫn vào quan niệm này, và trở thành bức tranh trong bản văn hôm nay. Bây giờ Satan gầm thét rảo quanh thế gian để làm cho con người từ bỏ Thiên Chúa.

Đức Giêsu được thúc đẩy đi vào nơi thử thách này, như các nhân vật lớn trong Cựu Ước. Ở đó Ngài chuẩn bị cho sứ vụ của mình. Việc loan báo cho sứ vụ này (câu 14-15) là tóm tắt của nội dung Ngài rao giảng. Mặc dù ngắn gọn, nó chứa đựng nhiều điểm chính của sứ điệp Ngài. Trước hết, Ngài loan báo đã đến thời điểm. Đây không phải là thời gian biên niên bình thường, mà là một khoảnh khắc quyết định. Trong tư tưởng cánh chung, Nó là thời hoàn tất.

Theo sau việc loan báo này là lời giải thích tính cách của thời gian đặc biệt này. Đó là việc Nước Thiên Chúa ngự đến. Dân Israel đã đợi trông Nước Thiên Chúa trong thời gian rất lâu. Bị vây quanh bởi các vương quốc hùng mạnh hơn, bị cai trị bởi những vua không làm theo ý muốn của Thiên Chúa, dân chúng mong đợi đến thời họ được giải thoát khỏi ách ngoại bang, và sống theo tôn giáo của mình. Đức Giêsu dạy rằng điều này chỉ có thể xảy ra nếu dân chúng thống hối, thay đổi cuộc sống, và đón nhận Tin Mừng Ngài rao giảng. Trong khi sứ điệp dường như đơn sơ, thì những hệ quả của nó lại làm đảo lộn. Lời giải thích của Đức Giêsu về ý muốn của Thiên Chúa đã không tương hợp với sự hiểu biết của dân chúng thời đó, và việc thay đổi tâm trí là một nhiệm vụ lâu dài của cả đời người. Lời loan báo về một sứ vụ như thế gặp đầy nguy hiểm.