CN 2 Mùa Chay Năm B: Biến đổi cuộc sống nhờ Lời Chúa

CN 2 Mùa Chay Năm B: Biến đổi cuộc sống nhờ Lời Chúa

CN 2 Mùa Chay Năm B: Biến đổi cuộc sống nhờ Lời Chúa

A. ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

1. Câu chuyện

Tại nước Mêhicô, người ta thường tổ chức những cuộc đấu võ rất ác liệt. Đó là một loại võ tự do, nên các võ sĩ có thể phục sức tuỳ sở thích và có thể mang cả mặt nạ trong khi đấu võ.

Một linh mục tên là Gaêtanô đang làm công tác xã hội để giúp nuôi các trẻ em nghèo và mồ côi. Để có thêm tiền cho mục đích này, cha Gaêtanô liền nghĩ đến chuyện ghi danh tham dự các trận đấu.

Với một thân bình to lớn, thông thạo võ thuật và đầy lòng dũng cảm, mỗi khi lên võ đài, cha Gaêtanô mang một chiếc mặt nạ màu vàng để che dấu tung tích của mình. Ngài thường đấu với những đối thủ hung hãn nhất. Tất cả tiền thưởng hoặc thù lao nhận được, cha đều dành cho quỹ cứu trợ các trẻ em nghèo và mồi côi. Từ đó, chiếc mặt nạ vàng trở thành biểu tượng cho tấm lòng vàng của cha Gaêtanô.

2. Các Bài Đọc

Sự vâng phục tuyệt đối của Ápraham, niềm tin sắt đá của ông vào lời hứa của Thiên Chúa là cơ sở vững chắc để Thiên Chúa chúc phúc cho ông: “bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển» Câu chuyện của Ápraham trở nên mẫu mực cho lòng tin và sự phó thác cho ý định và sự xếp đặt của Thiên Chúa. (Bài đọc 1: St 22,1-2.9a.10-13.15-18)

Thiên Chúa luôn đứng về phía những người đau khổ và chịu thử thách của đức tin để bênh vực và chở che họ. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là sức mạnh cho các tín hữu trước bất kỳ gian nan thử thách nào trong đời sống đức tin. (Bài đọc 2: Rm 8,31b-34)

Biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi hé lộ cho các môn đệ thân tín thấy vinh quang của Thiên Chúa. “Đây là Con Yêu Dấu của Ta. Hãy vâng nghe Lời Người”, lời xác quyết này hé lộ rằng chỉ qua cái chết, vinh quang của “Con Yêu Dấu” mới được thể hiện trọn vẹn. Và dù đó là con đường khó khăn, thử thách đối với các môn đệ, các ông sẵn lòng “vâng nghe lời Người”. (Bài Tin Mừng: Mc 9,2-10)

3. Tin Mừng: Mc 9,2-10

 

Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. 

Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia." Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 

Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.

Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì. 

B. BỐI CẢNH TIN MỪNG

Trình thuật biến hình của Đức Giêsu gắn chặt với truyền thống của Israel, sự hiểu biết về căn tính của Đức Giêsu, và một thoáng nhìn về tương lai cánh chung. Thuật ngữ “biến hình” có nghĩa là thay đổi hình dạng. Nhiều truyền thống tôn giáo tin rằng các vị thần có thể dễ dàng thay đổi trong nhiều hình dạng khác nhau. Nhiều trường phái thần bí cho rằng con người và một số loài vật có thể thay đổi hình dạng. Văn chương khải huyền Do Thái trông đợi rằng người công chính sẽ có một hình dạng vinh quang trên trời. Mặc dù trình thuật này nhấn mạnh đến vẻ rực rỡ của y phục của Đức Giêsu, nhưng chính Ngài cũng đã biến hình. Vấn đề ở đây không phải là điều đã xảy ra, nhưng nó có ý nghĩa gì?

Phêrô, Gioan và Giacôbê được chứng kiến việc biến hình này. Sự hiện diện của họ làm cho nó thành một biến cố lịch sử. Mặc dù chỉ có một mình Đức Giêsu biến hình, và nói chuyện với hai vị hiện ra, các môn đệ cũng được trải nghiệm trong đó. Họ nhìn thấy Đức Giêsu biến hình, cùng ở với ông Môsê và Êlia. Họ được đám mây bao phủ và nghe được tiếng từ đám mây nói với họ.

Trình thuật có nhiều chi tiết liên quan đến Môsê và Êlia. Cả hai liên quan đến các ngọn núi (Sinai ở Xh 19; Hỏeb ở 1V 19). Gương mặt ông Môsê chói sáng (Xh 34, 29-35), ông Êlia lên trời với xe ngựa lửa (2 V 2,11). Cuối cùng, hai vị nối kết với hai truyền thống rất quan trọng. Trước hết, họ đại diện cho nền tảng của truyền thống Israel, Luật và các ngôn sứ. Kế đến, họ báo trước chiều kích ngôn sứ của thời đại Mêsia (Đnl 18,15. 18-19, Ml 3,1.23).

Việc Phêrô xin dựng ba lều nhắc nhớ đến Lễ Lều Tạm, khi người Do Thái tưởng nhớ việc họ sống 40 năm trong sa mạc với những chiếc lều. Vào thời Đức Giêsu, các đại lễ đều mang sắc thái về thời Mêsia (Dcr 14,16-19). Nếu lời cầu xin của Phêrô xuất phát từ nỗi khao khát được hưởng các phúc lành của thời Mêsia, thì lời Đức Giêsu dặn đừng kể với ai những điều vừa thấy trước khi Chúa phục sinh nhắc nhở Phêrô rằng Ngài phải hạ xuống trước khi được tôn vinh. Việc biến hình báo trước sự tôn vinh này.

Các lời của tiếng nói từ đám mây vừa rõ ràng vừa khó hiểu. Đức Giêsu là Con yêu dấu, nhắc nhớ đến Isaac, cũng là con yêu dấu (St 22,2). Các môn đệ được bảo hãy lắng nghe Đức Giêsu. Điều này có thể được hiểu theo nghĩa tổng quát, nhưng những lời Đức Giêsu nói khi ở trên núi xuống cho thấy điều gì đó đặc biệt hơn. Rõ ràng các môn đệ không hiểu những gì Ngài nói về “từ cõi chết sống lại.” Nối kết Isaac với Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng tiếng nói ám chỉ đến giáo huấn của Đức Giêsu về cái chết của Ngài. Việc biến hình chuẩn bị cho các môn đệ về biến cố đau khổ và cái chết của Đức Giêsu để họ vững mạnh tiến bước.