CN 2 Mùa Vọng A: Sửa đường đón Chúa

CN 2 Mùa Vọng A: Sửa đường đón Chúa

CN 2 Mùa Vọng A: Sửa đường đón Chúa

A. ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

1. Câu chuyện

Vào một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời, Cordell, một con người bệnh tật và đau yếu, được mời đến nói chuyện tại câu lạc bộ dành cho những người khoẻ mạnh, giàu sang và gặt hái những thành công sáng chói.

Anh đã mở đầu như sau: “Tôi biết rằng tôi rất khác biệt với quý vị”. Rồi anh trích dẫn lời thánh Phaolô: “Nhưng nhờ ơn Chúa mà tôi được như thế này”.

Suốt 20 phút đồng hồ, anh đã nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện trong đời sống của anh.

Và rồi anh đã kết luận: “Quý vị có thể thành công trong suốt cả cuộc đời và lợi nhuận hàng năm có thể lên tới hàng triệu đồng, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà quý vị nhắm mắt buông tay giã từ cuộc sống và bị vùi sâu dưới lòng đất lạnh, thì quý vị sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó là giây phút mọi người chúng ta đều giống nhau. Tôi không cần tới những gì quý vị đang có trong cuộc sống, nhưng tôi chắc chắn rằng quý vị cần một điều mà tôi đang có đó là Đức Kitô.”

2. Các Bài Đọc

Trong hoàn cảnh bi đát của cuộc lưu đày, lời ngôn sứ Isaia đem lại cho dân nguồn an ủi lớn lao khi họ biết rằng Thiên Chúa chính là mục tử đích thực của họ. Người vẫn hằng dõi theo dân trong từng bước thăng trầm của lịch sử Dân Chúa và Người sẽ đến giữa họ để cứu độ họ. Qua cuộc sống của mình, hãy biết dọn đường để đón Người đến. (Bài đọc 1: Is 40,1-5.9-11)

Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ con người ăn năn hối cải và sống trong tinh thần sẵn sàng chờ ngày Đức Kitô quang lâm, để không ai phải “diệt vong” trong ngày đó. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi sống thánh thiện, tinh tuyền để luôn tìm được sự bình an giữa bao nhiêu cám dỗ của thế gian này. (Bài đọc 2: 2Pr 3,8-14)

Phép rửa của Gioan giúp người ta nhận ra tội lỗi của họ mà ăn năn sám hối, dọn đường cho Đấng đến sau, Mọi con đường, mọi sự chuẩn bị đều phải hướng đến Đức Giêsu Kitô, Người chính là Đấng Cứu Độ, sẽ làm phép rửa bằng cách ban ơn tha tội và thanh tẩy lòng người, là Tin Mừng cho nhân loại mọi nơi, mọi thời. (Bài Tin Mừng: Mc 1,1-8)

3. Tin Mừng: Mc 1,1-8

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: “Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

B. BỐI CẢNH TIN MỪNG

Khởi đầu mới

Đây là khởi đầu của sách Tin Mừng. Như trình thuật khởi đầu của Kinh Thánh về việc sáng tạo (St 1,1), Tin Mừng Máccô chỉ ra một khởi đầu mới của việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại: “Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.”

Malakhi và Isaia  

Tác giả xen lẫn lời của ngôn sứ Malakhi (Ml 3,1.23) (“Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi…”) và ngôn sứ Isaia (Is 40,3) (“Có tiếng kêu trong hoang địa…”), giải thích lại chúng và loan báo sự hiện diện của đấng tiền hô của Chúa Giêsu.

Hành trình giải thoát

Hành trình giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập đã đưa dân qua sa mạc để đi vào Đất Hứa. Đề tài này đã trở nên mẫu mực để nói về những kinh nghiệm giải thoát khác.

Chủ đề ở đây là cuộc giải thoát khỏi chốn lưu đầy Babilon và về quê hương. Khi dân chúng bị vỡ mộng với hoàn cảnh chính trị của mình, họ bắt đầu tìm kiếm một cuộc giải thoát mới, và một vị lãnh đạo tôn giáo mới. Đây là bối cảnh của đoạn sách ngôn sứ Malakhi.

Bằng cách sử dụng hai qui chiếu này về Gioan Tẩy Giả, tác giả cho thấy quyền bính của vị ngôn sứ có đời sống khắc khổ và sứ điệp chân chính đã được chấp nhận.

Phép rửa thống hối cho toàn dân

Có đời sống giống ngôn sứ Êlia, Gioan Tẩy Giả loan báo một phép rửa thống hối để tha tội. Không giống như phép rửa của nhóm Esseni tại Qumran, phép rửa của Gioan mở ra cho mọi người, không chỉ cho một nhóm đặc tuyển. Mọi người ở miền Giuđêa và dân Giêrusalem đều đến với ông để chịu phép rửa. Đặc điểm của họ là những người đói khát tâm linh. Một số người đến để nhìn thấy Gioan, và họ đã bị lôi cuốn bởi sứ điệp của ông, và họ đã thống hối theo như lời rao giảng của ông. Khi ông loan báo ngày của Chúa, họ không muốn bị lên án trong ngày đó.

Chuyển hướng sự chú ý

Gioan lôi cuốn sự chú ý của đám đông, nhưng ông nhanh chóng chuyển sự chú ý đó ra khỏi ông. Ông chỉ ra mộ Đấng có quyền thế hơn ông, một Đấng đến sau ông. Gioan là một sứ giả của Thiên Chúa, và ông biết vai trò của mình là một dụng cụ loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Ông không phải là Đấng muôn dân trông đợi. Ông chỉ là người dọn đường. Gioan không phải là người tự cao, tự đại. Thậm chí ông coi mình không xứng đáng thi hành công việc của người tôi tớ đối với Đấng phải đến nữa. Ông dạy rằng: phép rửa bằng nước của ông là để thống hối, còn Đấng kia làm phép rửa trong Thần Khí.

Khao khát trời mới đất mới

Nếu Gioan là sứ giả dọn đường, thì Đấng Thiên Sai đã đến gần. Sự kiện này là lý do để nhiều người từ các thành phố đi vào hoang địa. Họ khao khát một trời mới và đất mới. Họ củng cố bản thân để đón chờ ngày của Chúa. Sự xuất hiện của Gioan, sứ điệp và phép rửa của ông là báo trước cho Tin Mừng cứu độ.

C. DUNG NHAN GIÊSU

Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần.

D. NIỀM VUI TIN MỪNG

“Tôi không cần tới những gì quý vị đang có trong cuộc sống, nhưng tôi chắc chắn rằng quý vị cần một điều mà tôi đang có đó là Đức Kitô.”