Chị Chiara Lubich sinh năm 1920, tại thành phố Trentô, miền Bắc Italia. Năm 1943, giữa thời thế chiến thứ hai, cùng với vài người bạn, Chị Chiara Lubich đã bắt đầu sống thực hành giáo huấn phúc âm trong cảnh sống hằng ngày.
Nhóm bạn sống phúc âm này quy tụ lại với nhau thành một cộng đoàn nhỏ, gọi là "Focolare", tức "Tổ Ấm", khai sinh một phong trào sống phúc âm giữa đời, trở thành "men tình yêu thương" mà hiện nay được biết đến với tên gọi Phong trào Focolare, có mặt tại 182 quốc gia, với khoảng 4 triệu thành viên đến từ 350 giáo hội Kitô khác nhau, và có cả những anh chị em Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo... cũng sinh hoạt trong phong trào.
Chị Chiara Lubich nhận được nhiều giải thưởng: năm 1977, giải thưởng Templeton vì sự Tiến Bộ Tôn Giáo; năm 1996, giải thưởng của UNESCO vì sự giáo dục cho Hoà Bình; năm 1998, giải thưởng Âu Châu vì Nhân Quyền. Chị đã nhận được 9 bằng Tiến Sĩ Danh Dự từ các Ðại học ở các châu: Âu, Á, Mỹ La Tinh và Hoa Kỳ. Nhiều thành phố trên thế giới đã nhận Chị là "Công Dân Danh Dự" của họ.
Nhận được sự ưu ái từ Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI, Ðức Gioan Phaolô II, chị đã tham dự 2 Thượng Hội đồng Giám mục. Chị qua đời ngày 14.3.2008. Ngày 27.1.2015, Giáo hội đã mở án phong Chân phước cho chị.
Đức Chúa quyết định chọn gọi Samuel để thay thế nhà Êli vốn đã ra hư hỏng. Đức Chúa hằng ở bên Samuel và Lời Người trở thành kim chỉ nam để Samuel sống và hướng dẫn dân Chúa. (Bài đọc 1: 1Sm 3,3b-10.19)
Thân xác của chúng ta là phần thân thể của Đức Kitô, là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải sống cho xứng hợp để phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa trong môi trường nhiều cám dỗ (Bài đọc 2: 1Cr 6,13c-15a.17-20)
Sau khi ở lại với Chúa Giêsu, 2 môn đệ của Gioan đã thành môn đệ của Chúa. Anrê mau mắn chia sẻ niềm vui gặp Chúa cho Simon. Và Chúa Giêsu đã đổi tên cho Simon là Kêpha. (Bài Tin Mừng: Ga 1,35-42)
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá.”
Trình thuật về ‘các môn đệ đầu tiên’ nhấn mạnh đến lời chứng của Gioan Tẩy Giả, hơn là lời Đức Giêsu gọi các môn đệ. Đây là ví dụ về việc Gioan sẵn sàng nhỏ đi để Chúa Giêsu lớn lên (Ga 3,30).
Không những không ghen tị với Đức Giêsu, Gioan còn chỉ cho hai môn đệ của ông đến với Chúa. Ông xác định Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,29) - một tước hiệu cho thấy sự hiểu biết của Gioan về Kinh Thánh. Tước hiệu này dựa trên một giải thích về người Tôi Trung trong sách Isaia (Is 53,7). Mặc dù vô tội, người Tôi Trung đã hiến dâng mạng sống như của lễ đền tội cho tội lỗi của những người khác.
Hai tước hiệu khác cũng được sử dụng ở đây là: Rabbi và Mêsia.
Rabbi có nghĩa là vị tôn sư, thầy dậy về tôn giáo. Câu chuyện cho thấy: đây là cách hai môn đệ liên hệ với Đức Giêsu. Vì các môn sinh thường tụ họp lại một nơi để nghe giáo huấn của vị tôn sư, nên hai môn đệ hỏi về nơi tụ họp này để họ có thể gia nhập nhóm môn sinh của Ngài.
Đức Giêsu mời gọi họ đi theo Ngài, và họ làm như thế. Điều này có thể hiểu theo hai mức độ: họ đi sau Ngài đến nơi Ngài ở, hay họ lắng nghe lời Ngài và trở nên những người bước theo Ngài.
Tước hiệu thứ hai, Mêsia, gắn liền với một hành động đức tin của Anrê. Những gì Đức Giêsu nói với ông đã làm ông tin rằng Ngài là quả thực là Đấng muôn dân trông đợi.
Vào thời đó có nhiều cách hiểu khác nhau về Đấng Mêsia. Vì Đấng Mêsia là người được xức dầu; mà cả vua, tư tế và ngôn sứ đều được xức dầu; nên có ba truyền thống trong việc trông đợi Đấng Mêsia:
- Truyền thống vương giả: trông chờ một vị Mêsia tái lập triều đại Đavít.
- Truyền thống tư tế: tìm kiếm một vị lãnh đạo tôn giáo
- Truyền thống ngôn sứ: mong đợi một nhà cải cách tôn giáo.
- Truyền thống về người Tôi Trung ở đây mong chờ một Đấng Mêsia là vua.
Cuối cùng chúng ta hãy xét xem các cá nhân đã nhờ ai mà trở nên môn đệ của Đức Giêsu. Mặc dù Thiên Chúa luôn là người đi bước trước, nhưng Ngài có thể sử dụng những nhân vật làm trung gian.
Bắt đầu ở đây là Gioan Tẩy Giả, người đã chỉ đường cho hai môn đệ của ông đến với Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu trả lời cho hai môn đệ ấy: “Hãy đến mà xem”, họ đã đi theo Đức Giêsu mà trở thành môn đệ của Ngài.
Sau đó, đến lượt Anrê đưa Phêrô đến với Chúa Giêsu.
Trong cả hai trường hợp, đức tin là khởi đầu cho cuộc hành trình trở nên người môn đệ.
Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu.
Chị Chiara Lubich là một giáo dân đơn sơ, nhưng khi cùng với vài người bạn, thực hành giáo huấn phúc âm trong cảnh sống hằng ngày, trở thành "men tình yêu thương", để tạo ra một "tổ ấm", trở thành một phong trào lớn, quy tụ rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi, chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ, ngành nghề, hoàn cảnh xã hội. Giống như Gioan Tẩy Giả và Thánh Anrê, Chị đã đưa rất nhiều người đến với Chúa.
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương mời gọi con người cộng tác vào công cuộc xây dựng vương quốc Thiên Chúa nơi trần gian. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và chân thành dâng lời cầu nguyện:
1. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn cùng mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn trung thành với ơn gọi căn bản của mình là loan báo và làm chứng về Đức Kitô cho con người thời đại.
2. Trong tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất, chúng ta cùng cầu xin cho mọi người đang và sẽ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chiên Thiên Chúa và là Đấng xóa tội trần gian, luôn hợp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một nguồn sống.
3. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai thành tâm thiện chí, cách riêng các bạn trẻ, biết dành thời gian đến với Chúa và thực sự gặp được Ngài qua các cử hành phụng vụ, nhất là hy tế Thánh Thể.
4. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn hăng hái nhiệt tình trong các hoạt động tông đồ bác ái, nhằm đem nhiều người đến với Đức Kitô.
Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã chọn gọi chúng con vào hàng ngũ những người được vinh dự gọi Chúa là Cha. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và ban những ơn cần thiết giúp chúng con luôn sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.