Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh Thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là Tám Mối Phúc Thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân… Gandhi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn Độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.
Ngày nọ, Gandhi đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và nói như sau: “Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu ông muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu”! Gandhi tức giận bỏ đi và ông đã ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: “Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn Giáo của tôi? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn Giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ rồi”!
Vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta chắc cũng có lần trở thành một chướng ngại vật, ngăn cản anh chị em lương dân tìm đến gặp Chúa…
Với việc tuân giữ Mười Điều Răn, dân Israel không chỉ là Dân Riêng mà còn trở nên Dân Giao Ước trong tương quan với chính Thiên Chúa của họ. Ba điều răn đầu tiên quy về đối tượng chính là Thiên Chúa, được triển khai rất chi tiết và cụ thể. Tuân giữ ba điều răn này luôn là một thách đố lớn đối với dân Israel trong suốt dòng lịch sử cứu độ khi họ luôn bị cám dỗ để chạy theo thờ ngẫu tượng, kêu cầu danh Chúa cách bất xứng, và tục hóa ngày Sabat. Những điều răn còn lại giúp hoàn thiện mối tương quan với chính mình và với mọi người trong ý định của Thiên Chúa. (Bài đọc 1: Xh 20,1-17)
Việc Đức Kitô chịu đóng đinh là điều ô nhục không thể chấp nhận đối với người Do Thái và là sự điên rồ của dân ngoại nhưng đối với Thánh Phaolô lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa: chính nhờ biến cố này Thiên Chúa đã giải thoát con người khỏi cái chết đời đời và thông ban cho họ ơn cứu độ vĩnh cửu. (Bài đọc 2: 1Cr 1,22-25)
Trong suy tư của thánh Gioan, cuộc thanh tẩy toàn diện đền thờ Giêrusalem mà Đức Giêsu đã thực hiện vào lúc khởi đầu sứ vụ đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho toàn bộ sứ mạng mà Người sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động công khai. Đồng thời hành động biểu trưng này còn mở ra một nền phụng tự mới mà trung tâm của nó không còn là đền thờ Giêrusalem nhưng là chính ‘thân thể Người.’ (Bài Tin Mừng: Ga 2,13-25)
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Đức Giêsu đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." Người Do Thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?" Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.
Trong lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giêsu không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
Trình thuật về việc Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ gồm hai phần. Phần thứ nhất là những hành động mang tính ngôn sứ của Chúa Giêsu. Phần thứ hai là những lời Chúa Giêsu nói về việc phá huỷ Đền thờ. Tất cả câu chuyện nằm trong bối cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái diễn ra ở thành Giêrusalem.
Thoạt nhìn dường như cảm xúc mãnh liệt của Đức Giêsu nổi lên bởi việc Đền thờ bị xúc phạm, và lòng đạo bị suy giảm, mà quang cảnh Đền thờ lúc đó đã làm lộ ra.
Tại sao Đức Giêsu nổi giận như thế? Ngài tố cáo những người buôn bán đã làm Đền thờ trở thành chợ búa. Nhưng chỉ một phần của nó thực sự trở thành nơi buôn bán. Việc buôn bán được các tư tế cho phép, họ chỉ kinh doanh trong khu vực tiền đình dành cho Dân Ngoại của Đền thờ. Chiên, bò và bồ câu cần phải có cho việc dâng lễ toàn thiêu trong Đền thờ (x. Lv 1 và 3). Vì lễ Vượt Qua là một đại lễ có rất đông khách hành hương từ khắp nơi đổ về Đền thờ tham dự. Có nhiều người từ rất xa mà đến, nên họ không thể mang theo các súc vật đi với họ. Họ phải mua súc vật tại Giêrusalem. Tương tự như vậy, thuế Đền thờ không thể trả bằng đồng tiền của Rôma, bởi vì có hình của hoàng đế trên đồng tiền. Người ta phải đổi tiền tại Giêrusalem. Vì thế, việc bán chiên bò và đổi tiền là chuyện cần thiết để người ta có thể tham dự vào việc phụng tự trong Đền thờ. Tuy nhiên, ở đây có việc lạm dụng xảy ra và Chúa Giêsu đã phải can thiệp. Theo sử gia Do Thái Josephus, gia đình thượng tế Ananias được hưởng lợi trong việc buôn bán ở Đền thờ này
Lời giải thích cho cách hành xử của Đức Giêsu nằm ở sách Dacaria 14,21: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” và thánh vịnh 69,10: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân”.
Với những hành động và lời nói của mình, Đức Giêsu đưa ra hai tuyên bố. Thứ nhất, bằng việc đuổi những người buôn bán khỏi Đền thờ, Ngài loan báo thời chung cuộc đã đến. Thứ hai, Ngài đồng hoá mình với Thiên Chúa khi khẳng định Ngài có quyền làm như thế.
Những người Do Thái đòi Đức Giêsu biện minh cho hành động của Ngài. Bằng cách xem chính bản thân là Đền thờ, Đức Giêsu tiên báo cái chết và sự phục sinh của mình. Điều này tương hợp với lời ám chỉ đến sách Dacaria ở trên, và việc thay thế hy lễ Đền thờ bằng cái chết của Ngài. Những người Do Thái đã hiểu lời của Ngài theo nghĩa đen, và tin rằng Ngài đang nói về Đền thờ đang được xây dựng. Cuộc gặp gỡ kết thúc với câu tuyên bố về việc sau này khi Đức Giêsu phục sinh, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó.
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với sự nhấn mạnh đến lòng tin. Các môn đệ tin vào Kinh Thánh, tin vào lời Đức Giêsu đã nói. Nhiều kẻ tin vào Danh Người, khi họ chứng kiến những dấu lạ Đức Giêsu đã làm. Nhưng Ngài không tin họ, vì Ngài biết tính hay thay đổi của tâm hồn con người.