Một em bé bảy tuổi, đau yếu, cần được giải phẫu. Em được đưa vào phòng mổ. Trước khi gây mê cho em, vị bác sĩ phụ trách ca mổ nói với em:
- Chúng tôi sắp sửa chữa cho cháu được khỏi, nhưng trước hết cháu cần phải ngủ.
Em bé trả lời:
- Vậy xin cho cho cháu cầu nguyện một chút.
Nói xong, em quỳ xuống bên cạnh bàn mổ, hai tay chắp lại, đôi mắt ngước lên cao, em khẽ đọc một kinh Lạy Cha. Lúc bấy giờ vị bác sĩ và những cô y tá đều cảm động đến nỗi rưng rưng muốn khóc.
Vị bác sĩ ấy kể lại: Sau đó, tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt, tôi đã đi xưng tội, và mỗi buổi tối, tôi không bao giờ đi ngủ mà không đọc kinh cầu nguyện.
Ngôn sứ Isaia III được sai đi với một sứ mạng rõ ràng: “Mang tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Đức Chúa, ngày báo phục của Thiên Chúa.” Nội dung của ơn gọi này đã được chính Đức Giêsu ‘hiện tại hóa’ nơi sứ mạng của Người. (Bài đọc 1: Is 61,1-2a.10-11)
Thánh Phaolô đã chỉ ra cho cộng đoàn những tâm tình sống cụ thể: vui mừng luôn và cầu nguyện không ngừng, biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh và quan trọng là đừng dập tắt Thần Khí, đừng khinh thường ơn nói tiên tri; nhưng cũng cần phải sáng suốt trong việc phân định lành - dữ, tốt - xấu để có được một thái độ sống đúng mực. (Bài đọc 2: 1Tx 5,16-24)
Dân chúng đang khát khao Đấng Kitô xuất hiện nên họ muốn đến xác định xem Gioan Tẩy giả có phải là Kitô hay không. Và Gioan Tẩy giả được giới thiệu như người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về Ánh sáng và Ngôi Lời của Thiên Chúa. Mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của người Kitô hữu là mỗi phản chiếu Ánh sáng, là chính Đức Kitô. (Bài Tin Mừng: Ga 1,6-8.19-28)
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng.
Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”.
Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Êlia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Êlia”. - “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Êlia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người.”
Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
“Ông là ai?” Câu hỏi này có vẻ như muốn tra vấn về bản thân hay nghề nghiệp của Gioan. Nhưng những câu trả lời của Gioan đều đưa đến mối liên hệ cụ thể với Đấng Mêsia.
Câu trả lời đầu tiên làm rõ căn tính của Gioan trong liên hệ với Đức Kitô. Các câu trả lời kế tiếp dẫn đến lời chứng của Gioan về mối liên hệ giữa ông với Chúa Giêsu, Đấng đến sau ông.
Trong lời tựa của Tin Mừng Gioan, Gioan Tẩy Giả được mô tả trong mối liên hệ với Ánh Sáng thế gian. Ông là chứng nhân được tuyển chọn để làm chứng cho ánh sáng này. Ông không phải là ánh sáng, nhưng đến để làm chứng cho ánh sáng. Ông là tiếng vang lên từ bóng tối, loan báo rằng ánh sáng sắp đến thế gian.
Sau lời tựa, Tin Mừng Gioan nói về chuyện các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem đến tra vấn Gioan. Ông trả lời: ông không phải là Đấng Mêsia, không phải ngôn sứ Êlia, hay một ngôn sứ. Gioan không đồng hóa mình với tất cả những nhân vật này. Mêsia là Đấng được xức dầu. Theo truyền thống Do Thái, chỉ có vua (2 Sm 19,21), tư tế (Xh 30,30) và ngôn sứ (Is 61,1) là được xức dầu.
Vào thời đó, người ta cho rằng ngôn sứ Êlia, người được cất lên trời bởi một xe ngựa lửa, sẽ trở lại vào thời cánh chung. Ông sẽ thanh tẩy chức tư tế (Malakhi 3,2-4), phục hồi các chi tộc Israel, và làm dịu bớt cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Hc 48,10). Truyền thống sau này xem ông là vị tiền hô hay bạn đồng hành với Đấng Mêsia.
Cuối cùng, một số người tìm kiếm vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến theo cách của ông Môsê, để giải quyết các tranh tụng về luật của dân chúng (Đnl 18,15-18).
Sau khi Gioan chối bỏ không phải là các nhân vật trên, ông xem mình là tiếng kêu trong hoang địa (Is 40,3). Tiếng kêu trong bản văn của Isaia nói về việc dọn đường cho dân Thiên Chúa trở lại quê hương, bây giờ trở thành việc dọn đường cho Thiên Chúa đến với dân Ngài.
Vai trò của Gioan là người dọn đường. Ông giải thích điều này khi các viên chức hỏi về lý do ông làm phép rửa. Ông đi xa hơn khi tuyên bố rằng: Đấng ông chuẩn bị cho đã ở giữa dân chúng, mà họ chưa nhận ra Ngài.
Gioan hài lòng với việc là chứng nhân và là tiền hô của Đấng Cứu Thế.
Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người.
Trong câu chuyện dẫn nhập, trước khi được gây mê để giải phẫu, em bé đã quỳ xuống cầu nguyện. Vị bác sĩ chứng kiến đã cảm động và thay đổi cuộc sống.
Em bé này đã cư xử như một vị tiền hô, dọn đường cho Chúa đến với tâm hồn những người chung quanh.