CN 31 TN A: Lễ các Thánh Nam Nữ: Bát Phúc

CN 31 TN A: Lễ các Thánh Nam Nữ: Bát Phúc

CN 31 TN A: Lễ các Thánh Nam Nữ: Bát Phúc

A. ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

1. Câu chuyện

Một buổi tối tại vận động trường Los Angeles, Mỹ, một diễn giả nổi tiếng, ông John Keller, được mời diễn thuyết trước khoảng 100.000 người.

Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:

– Bây giờ xin các vị đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn sáng trong sân vận động nầy.

Đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối âm u. Ông John Keller nói tiếp:

– Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô lên cho tôi biết.

Ánh lửa nhỏ bé từ que diêm loé lên trong màn đêm được mọi người nhìn thấy và nhiều tiếng hô vang: ‘tôi đã thấy’.

Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích:

– Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên:

– Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!

Bỗng chốc, hàng ngàn đốm sáng loé lên trong bóng đêm và cả vận động trường được thắp sáng.

Ông John Keller kết luận:

– Nếu tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau thì có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương, bằng sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta… (trích từ Nghệ thuật sống)

2. Các Bài Đọc

Thị kiến thần linh cho thấy cảnh tượng trời mới, đất mới trong ngày tận thế, với từng đoàn người đông đảo thuộc mọi dân mọi nước đến thờ lạy Chúa. Họ là các thánh nam nữ đã chịu nhiều đau khổ thử thách nhưng vẫn một lòng trung tín với Chúa. Nhờ vậy mà họ được hưởng ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô. (Bài đọc 1: Kh 7,2-4.9-14)

Do tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta được chọn làm con, được làm người đồng thừa kế với Con của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Thế gian đã không biết điều này, vì thế gian không biết Người. Nhờ đặt niềm hy vọng nơi Người, chúng ta thánh hóa bản thân để nên thanh sạch giống như Người hầu được hưởng vinh quang với Người trên Nước Trời. (Bài đọc 2: 1 Ga 3, 1-3)

Chúa Giêsu dạy chúng ta sống tám mối phúc thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời. Đây là Kim chỉ nam cho mọi Kitô hữu muốn nên trọn lành theo gương của Chúa Cha là Đấng trọn lành. Nhờ sống tinh thần tám mối phúc chúng ta được hưởng vinh quang cùng các thánh trên Nước Trời. (Bài Tin Mừng: Mt 5,1-12a)

3. Tin Mừng: Lc 1,26-38

Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình,

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả,

bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

B. BỐI CẢNH TIN MỪNG

Trên núi

Lời giảng dạy và các phép lạ của Đức Giêsu đã lôi cuốn một đám rất đông dân chúng, và vì có quá đông người nên Ngài đã đưa các môn đệ lên một ngọn núi để giảng dạy cho họ ở đó.

Truyền thống Khôn Ngoan

Phần đầu của Bài giảng trên núi là các mối phúc. Hình thức và nội dung của các mối phúc là một giáo huấn Khôn Ngoan.

Các mối phúc này thuộc về truyền thống Khôn Ngoan. Nó mô tả một hoàn cảnh sống, trong đó có sự nối kết giữa một cách ăn ở đặc biệt, và những hệ quả phát sinh từ lối sống đó. Mặc dù chỉ là một bản mô tả đơn sơ, nhưng những hệ quả kèm theo mang tính khuyến khích người nghe thực hiện cách ăn ở được đề nghị. Các mối phúc này được hình thành theo một công thức như sau: một nhóm người thực hiện một lối sống đặc biệt, và họ được chúc phúc, các phúc lành họ sẽ hưởng được tuyên bố.

Ngược chiều

Điều quan trọng cần nhớ là: trong khi các giáo huấn của Đức Giêsu được hướng đến việc thiết lập Nước Thiên Chúa, thì những cách ăn ở, hay những giá trị mà Ngài chủ trương lại đi ngược với cách ăn ở của thế gian. Sự kiện này giúp chúng ta hiểu những thách đố được đặt ra trước chúng ta trong các mối phúc. Có lẽ cách giải thích chúng là hãy nhìn vào những phúc lành được hứa ban. Chúng ta có thể thấy rằng: cách ăn ở mà Đức Giêsu chủ trương thì lạc lõng và kỳ quặc, khi so với những gì mà thế gian nói rằng sẽ bảo đảm có được những phúc lành mà chúng ta tìm kiếm.

Quyền lực

Các mối phúc thứ nhất (tâm hồn nghèo khó) và thứ ba (sầu khổ) thì rất giống nhau. Chúng bàn đến quan niệm về quyền lực, mà quyền lực thường được xác định bởi qui mô số tài sản vật chất mà người ta chiếm hữu. Các xã hội thường được cai trị bởi những ai có quyền lực và phương tiện. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa được đặt trong tay những người hiền lành không có quyền lực, và những người nghèo không có phương tiện để thi hành quyền lực.

An bình nội tâm

Các mối phúc thứ hai (hiền lành) và thứ tư (khao khát sự công chính) nhằm đến việc giải gỡ những náo động nội tâm. Người ta thường nghĩ rằng đau khổ là hậu quả của tội lỗi hay của một lối sông không phù hợp. Theo lý thuyết này, người ta sầu khổ là vì bị mất đi một điều gì đó do tội lỗi, và những ai khao khát sự công chính chỉ cần sống một cách công chính sẽ được hưởng sự công chính và an vui. Ngược lại, các mối phúc cho thấy rằng những người đau khổ thường khi là vô tội, và lối sống hiền lành cũng như niềm khao khát sự công chính sẽ là phương thuốc cứu chữa họ.

Đạo đức tôn giáo

Các mối phúc thứ năm (thương xót), thứ sáu (trong sạch) và thứ bảy (kiến tạo hòa bình) bàn về các khía cạnh của đạo đức tôn giáo.

Lòng thương xót là tâm tình Thiên Chúa dành cho các tội nhân (x. Xh 34,6). Những ai tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa được khích lệ hãy thương xót những người khác.

Ngay trong truyền thống tôn giáo của Israel, chúng ta thấy rằng: không phải các nghi lễ, nhưng là tấm lòng trong sạch rộng mở mới là con đường giúp người ta đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa (Tv 24,4).

Cuối cùng, sự bình an và trật tự là những gì Thiên Chúa khao khát ban cho chúng ta. Chính tội lỗi đã làm đổ vỡ trật tự này, và phá hủy sự bình an. Những ai dùng sự lành mà vượt thắng sự dữ để tái lập sự bình an là đang làm công việc của Thiên Chúa, và sẽ được nhận biết là con cái của Thiên Chúa.

Chịu bách hại

Mối phúc cuối cùng nhấn mạnh đến sự đảo lộn. Dấn thân theo Đức Giêsu là chắc chắn phải chịu sỉ nhục và bách hại. Khi những việc này xảy ra, các môn đệ hãy vui mừng, vì biết rằng thế gia bách hại họ bởi vì họ thuộc về một vương quốc không ở trong thế gian này, một vương quốc mà các giá trị của nó ngược hẳn với các giá trị của thế gian.[1]

Đức Giêsu chính là Bát Phúc

Như vậy, mỗi mối phúc mời gọi chúng ta sống ngược lại với các tiêu chuẩn của thế gian này. Đức Giêsu đã giảng Bát Phúc, đã sống Bát Phúc, và Ngài chính là Bát Phúc. Bát Phúc là tám bản tiểu sử ngắn gọn của Ngài. Đi theo con đường Bát Phúc là đi theo Đức Giêsu.

C. DUNG NHAN GIÊSU

Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ…”

D. NIỀM VUI TIN MỪNG

Câu chuyện dẫn nhập cho thấy: Ánh sáng của một que diêm nhỏ cũng có thể xoá đi một mảng tối và người ta có thể nhìn thấy nó từ đằng xa. Ánh sáng của hàng ngàn que diêm nhỏ bé có thể đẩy lui bóng tối bao trùm cả một quảng trường và chiếu soi cho nhiều người trong đêm tối.

Ánh sáng của các thánh nam nữ trên trời, tức là những gương sáng của các ngài, toả sáng như những vì tinh tú, chiếu soi cho nhân loại đang đắm chìm trong bóng đêm lầm lạc và tội lỗi. Ta cũng cần thắp lên những ngọn nến sáng nho nhỏ như thế trong cuộc sống hằng ngày của ta khi sống theo tinh thần của Bát Phúc của Chúa Giêsu.

E. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Các Thánh là những người được tình yêu Chúa biến đổi, và nhờ sống tinh thần tám mối phúc mà các ngài đã được hưởng vinh quang Nước Trời sau khi đã kết thúc hành trình trần thế. Hiệp cùng các thánh, chúng ta cùng cảm tạ và dâng lời nguyện xin:

1. “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên Trời là Đấng trọn lành”. Chúng ta cùng xin Chúa ban cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua việc thực thi Lời Chúa và sống các Bí tích, mỗi ngày trở nên thánh thiện, đạo đức và hăng say rao giảng Tin Mừng, để sau này được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời cùng các Thánh.

2. “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người không tin hay chưa nhận biết Chúa, luôn cảm nhận được sự hiện diện và lòng thương xót của Người qua chính đời sống chứng tá của mỗi Kitô hữu trong thế giới hôm nay.

3. Tám mối phúc là tinh hoa của Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới sống tinh thần tám mối phúc cách cụ thể bằng đời sống bác ái, yêu thương, tích cực xây dựng nền hòa bình và sẵn lòng hy sinh, can đảm chấp nhận mọi khó khăn vì Tin Mừng, để luôn kiên trì đi theo Chúa cho đến cùng.

4. “Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta luôn biết ý thức, chọn lựa và quyết định làm những việc tốt lành, thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa trong các hoạt động tôn giáo cũng như biết sống hiệp nhất, yêu thương, tha thứ, để được chung hưởng hạnh phúc cùng các thánh trên Nước Trời.

Chủ tế: Lạy Chúa, các thánh đã sống trọn hảo tinh thần tám mối phúc. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu Chúa luôn ấp ủ cuộc đời chúng con, để chúng con nỗ lực sống thánh thiện, noi gương các thánh và không ngừng chúc tụng Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con luôn vững bước trên đường nên thánh theo các mối phúc thật. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

 

[1] Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary,(The Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 1999) 454.