Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh đã được phúc tử đạo với án trảm quyết vào ngày 6.4.1857 tại pháp trường Bảy Mẫu ở Nam Định. Nhưng có thể nói: cha đã tử đạo ngay trong cuộc sống hằng ngày, trước khi được phúc thực sự đổ máu vì đức tin trung kiên.
Thuở sinh thời, ngài có thân hình gầy guộc, đạo mạo, khắc khổ, nhưng đầy lòng nhân ái, giản dị, khôn ngoan, từng trải. Ngài tận dụng thời giờ thật khít khao. Khi làm giám đốc chủng viện Vĩnh Trị, bận rộn với bao công việc, ngài vẫn thu xếp để viết được những cuốn sách như: Phúc âm dẫn giải, Giáo lý đại cương, Lục vấn lương tâm…
Cha thường khuyên các chủng sinh giữ kỷ luật và sống đời cầu nguyện. Theo cha, một nhà truyền giáo mà không quý trọng việc cầu nguyện thì lời giảng sẽ không có sức thuyết phục. Cha Tịnh rất siêng năng giải tội, giúp đỡ các tâm hồn hòa giải với Chúa. Ngài rất yêu mến Thánh giá, tôn kính cuộc tử nạn của Chúa Kitô, mong muốn mình được góp phần vào dòng máu của Thày Chí Thánh đã đổ ra để cứu chuộc trần gian. Lòng yêu mến ấy đã bộc lộ qua nếp sống thật nhiệm nhặt, ăn uống kham khổ, thân xác mỏng manh, nhưng trí khôn sắc sảo, tâm hồn đầy nhiệt huyết.
Cha sống quên mình, nhưng lại chăm lo cho người khác. Cha thường thăm viếng, an ủi, ban các bí tích, giúp đỡ người nghèo, nhất là các bệnh nhân, kể cả những người bị bệnh nan y như phong cùi…
Việc lắng nghe tiếng Chúa nói trong mỗi ngày sống và việc nỗ lực diễn tả tình yêu đối với Chúa trong mỗi hành động bác ái cụ thể sẽ là cách thức rõ nét nhất để diễn tả niềm tin. Chính niềm tin vào Chúa sẽ dẫn con người đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Chúa trong tình yêu. (Bài đọc 1: Kn 3,1-9)
Kiên nhẫn chịu thử thách chính là phương thế làm cho đức tin được trở nên hoàn hảo, sẽ giúp họ được Thiên Chúa yêu mến và đáng lãnh nhận triều thiên sự sống. (Bài đọc 2: Gc 1,2-4.12)
Ba điều kiện ắt có và đủ cho những ai muốn theo Đức Giêsu: Phải từ bỏ chính mình; vác thập giá mình hằng ngày và bước theo Ngài. (Bài Tin Mừng: Lc 9,23-26)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với mọi người:
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?
Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là việc ông Phêrô nói với Đức Giêsu: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” và lời Đức Giêsu tiên báo về cuộc Thương Khó của Ngài.
Từ đó dẫn đến nội dung của bài Tin Mừng hôm nay, bao gồm bốn lời về tư cách của người môn đệ.
Căn tính là Chúa của Đức Giêsu và tư cách của người môn đệ có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi xác định phải làm gì để thành môn đệ của Đức Giêsu, người ta sẽ thấy rõ quyền làm Chúa của Đức Giêsu.
Bốn lời về tư cách người môn đệ đã được Đức Giêsu nói cho các môn đệ cũng như cho đám đông, vì thế, đó cũng là lời mời gọi mọi người trở nên môn đệ của Ngài.
Để nói lên những đòi hỏi căn bản của việc đi theo Đức Giêsu, bốn lời về tư cách người môn đệ ở đây đã đưa ra bốn hình ảnh khác nhau: thập giá, trận chiến, chợ búa và thẩm phán thời cánh chung.
Hình ảnh trung tâm là thập giá, nằm trong lời thứ nhất: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Ở đây, Đức Giêsu muốn ám chỉ đến cái chết bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá.
Đi theo Đức Giêsu có nghĩa là sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình như Đức Giêsu đã làm. Điều thánh Luca nhấn mạnh không phải là sẵn sàng chết với Đức Giêsu khi Ngài chịu bách hại, nhưng người môn đệ bị đòi hỏi phải hiến dâng cuộc sống của mình hằng ngày trong việc đi theo con đường của Đức Giêsu. Mỗi ngày phải thực hiện ba điều: bỏ mình, vác thập giá, và đi theo Đức Giêsu.
Lời thứ hai nói lên lý do của việc hy sinh mạng sống và vác thập giá trong lời thứ nhất. Nó làm vọng lại lời người ta khích lệ binh sĩ trước khi họ đi vào trận chiến: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”
Trong trận chiến, người đầu tiên phải chết sẽ là những kẻ quay lưng lại để chạy trốn. Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất nó, nhưng ai không nghĩ gì về việc giữ mạng sống sẽ giữ được sự sống của mình.
Lời thứ ba đi từ trận chiến đến nơi chợ búa: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
Sự thôi thúc để thành công, để chiếm hữu, và để giàu có là rất mạnh mẽ. Trong một nền văn hoá duy vật, chúng ta dễ bị cám dỗ rằng mình sẽ đạt được sự an toàn và sự thành đạt nhờ tiền bạc vật chất. Nhưng “được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ?”
Lời này nhắc nhở chúng ta rằng: cuộc sống có những chiều kích mà của cải vật chất không thể thoả mãn được. Vì thế, mỗi người phải tìm kiếm những gì đưa đến sự thành toàn đích thực.
Lời thứ bốn liên quan đến một loạt hình ảnh và sự tương phản liên hệ đến quyền làm Chúa của Đức Giêsu và tư cách người môn đệ trong ngày cánh chung. Con Người ở đây là nói về Đức Giêsu sẽ lại đến trong vinh quang.
Chắc chắn đây là sự trông chờ của Giáo hội sơ khai về việc lại đến của Đức Giêsu với tư cách là Đấng đã sống lại từ cõi chết và là thẩm phán xét xử muôn dân.
Nhưng đối với những người môn đệ sức mạnh của lời này nằm ở chỗ nó nhận ra cơn cám dỗ: xem việc làm người môn đệ của Đức Giêsu là chuyện riêng tư. Lời này không chấp nhận người môn đệ sống như dân ngoại. Ai chối bỏ Đức Giêsu thì Con Người cũng sẽ chối bỏ người đó.
Người môn đệ bị đòi hỏi phải cam kết dấn thân một cách công khai, để cách sống và việc làm của người ấy thành dấu chỉ cho những người khác nhận ra Chúa: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
Câu chuyện dẫn nhập cho thấy: cha Phaolô Lê Bảo Tịnh rất yêu mến Thánh giá Chúa, đã vác thập giá và tử đạo ngay trong cuộc sống hằng ngày, trước khi thực sự đổ máu vì đức tin trung kiên.
Xin cho chúng con cũng biết vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa như thế.
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhiều vị thừa sai và các bậc tiền nhân của chúng ta đã can đảm làm chứng cho Đức Kitô bằng chính mạng sống mình, và máu các ngài đã nên hạt giống đức tin cho bao thế hệ con cháu. Trong ngày mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta hãy cùng với các ngài tôn vinh Thiên Chúa và dâng lời nguyện xin.
1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và linh mục, cách riêng hàng giáo phẩm và giáo sĩ Việt Nam. Xin cho các ngài luôn nhiệt thành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho con người thời đại, can đảm chấp nhận mọi khó khăn thử thách vì tình yêu Đức Kitô và phần rỗi của nhiều người.
2. Cầu cho bạn trẻ Công giáo đang dấn thân trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Xin cho họ luôn biết noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mạnh mẽ khước từ những cám dỗ của cuộc đời, luôn can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô bằng một lối sống trung thành với các mối phúc của Tin Mừng.
3. Cầu cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, chán chường, và tuyệt vọng. Xin Chúa luôn đồng hành nâng đỡ họ giữa những thử thách của cuộc đời, để họ không cảm thấy lẻ loi đơn độc hoặc bị khủng hoảng đức tin, nhưng có thêm sức mạnh cùng hy vọng để sống hoàn cảnh hiện tại theo ý Chúa.
4. Cầu cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn chúng ta. Xin cho tất cả chúng ta luôn ý thức trân trọng di sản đức tin được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, biết nuôi dưỡng và diễn tả đức tin ấy qua việc tham dự tích cực và đầy đủ các cử hành phụng vụ, cũng như dấn thân trong các hoạt động tông đồ bác ái.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con ca ngợi tình thương và sức mạnh của Chúa đã thể hiện nơi sự yếu đuối mỏng giòn của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn trung thành với đức tin và gương sáng của cha ông để lại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.