John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng, không đạt kết quả nào cả.
Rồi lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy.
Trong đêm ấy, một hồi chuông điện thoại reo vang, phá giấc ngủ của cha John. Linh mục John P. nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu giây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào: "Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội."
"Chuyện gì xảy ra cho anh vậy?" Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó. Nhưng anh ta trả lời: "Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều."
Vị linh mục ngạc nhiên: "Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh?"
"Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: "Chúa ở với các con." Anh thanh niên chậm rãi giải thích thêm: "Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình."
Qua ngôn sứ Nathan, Thiên Chúa cho vua Đavid biết thánh ý của Người: không phải vua Đavid sẽ mang lại vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa khi vua định xây một Đền Thờ xứng đáng làm nơi Người ngự; nhưng chính Thiên Chúa sẽ mang lại vinh quang cho dòng dõi vua khi Người hứa lập “một nhà” cho vua Đavid. Như vậy, Thiên Chúa thể hiện quyền năng tuyệt đối của mình. Người luôn đi bước trước. (Bài đọc 1: 2Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16)
Thiên Chúa là Đấng quyền năng vì Người đã làm cho các tín hữu Rôma được vững mạnh bước theo Tin Mừng mà thánh Phaolô loan báo. Người cũng là Đấng khôn ngoan thượng trí; vì qua các ngôn sứ, nhất là qua Con yêu dấu của Người, Thiên Chúa đã mặc khải cho muôn dân biết Mầu Nhiệm Cứu Độ để họ tin mà vâng phục. (Bài đọc 2: Rm 16, 25-27)
Nơi Hài nhi Giêsu được hứa ban, Thiên Chúa thể hiện quyền năng yêu thương của Người cho nhân loại. Nhờ quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, Vương triều của Đấng Thánh, Con Thiên Chúa, sẽ vượt quá phạm vi không gian và thời gian, để đạt đến tầm mức “đến muôn đời” và “vô cùng vô tận” và mọi người được mời gọi thuộc về Vương Quốc của Người. (Bài Tin Mừng: Lc 1, 26-38)
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Trình thuật truyền tin cho Đức Maria nằm trong truyền thống những câu chuyện về sứ thần loan báo việc các hài nhi sinh ra (St 16,7-16; Tl 13,2-7). Những câu chuyện như thế báo cho người đọc về ý nghĩa nhiệm mầu của những biến cố tương lai trong đời sống của các hài nhi sắp sinh ra.
Bản văn này bắt đầu với thông tin về nơi chốn biến cố được mô tả trong bức tranh lớn hơn về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự kiện này xảy ra vào tháng thứ sáu sau khi sứ thần loan báo về việc mang thai của bà Elisabeth. Mặc dù nó xảy ra đối với dòng dõi vua Đavít, nhưng nơi chốn lại là Galilê.
Lời sứ thần chào thăm “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng bà” tuyên bố về phẩm giá cao trọng của Đức Maria. Lời chào này gợi nhớ lại sấm ngôn về sự phục hồi, một đề tài nền tảng cho cả trình thuật.
Như trong mọi cuộc sứ thần hiện ra, phản ứng đầu tiên của Đức Maria là sợ hãi, nhưng có một lý do khác cho sự bối rối. Trong quá khứ, có những người được đẹp lòng Chúa nhưng phải trả giá cao, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, như ông Nôê (St 6, 8), Môsê (Xh 33,12), Gideon (Tl 6,17) Samuen (1Sm 2,26). Ở đây Đức Maria đầy ân sủng, được mời gọi bước vào chương trình cứu độ Dân Thiên Chúa. Điều này cũng đòi hỏi Mẹ phải trải qua một thử thách gay go.
Câu trả lời của sứ thần vừa làm yên lòng vừa làm bối rối. Sứ thần bảo Đức Maria đừng sợ, nhưng sau đó lại nói đến một điều làm kinh sợ. Một trinh nữ lại thụ thai và sinh con, và tên của người con ấy nói lên vai trò của Ngài trong kế hoạch của Thiên Chúa (Giêsu nghĩa là Thiên Chúa cứu độ). Ngài là Đấng Cứu Thế, là con của Đấng Tối Cao.
Đức Maria không thắc mắc việc đó có xảy ra không, nhưng là xảy ra như thế nào, vì Đức Maria là một trinh nữ. Sứ thần cho biết Thần Khí Thiên Chúa sẽ rợp bóng trên bà. Hình ảnh này nhắc lại đám mây ngự xuống trên Lều Hội Ngộ, ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa Dân Người. Việc Đức Maria thụ thai là do quyền năng của Thiên Chúa thực hiện.
Sứ thần cho Đức Maria một dấu chỉ cụ thể. Bà Elisabeth đã thụ thai, mặc dù người chị họ này của Đức Maria đã cao niên và son sẻ. Câu nói của sứ thần: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” làm vọng lại lời của Thiên Chúa nói với ông Abraham trong hoàn cảnh tương tự, khi nói về việc sinh ra của Isaac (St 18,14).
Bản văn kết thúc với sự chấp nhận của Đức Maria. Cũng như trong những câu chuyện sứ thần hiện ra với các phụ nữ thời các tổ phụ, Đức Maria nói chuyện với sứ thần trong sự vắng mặt của vị hôn phu của mình. Đức Maria đáp lại với sự tự do của mình.
Mặc dù là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ cũng là mẫu mực của sự cởi mở và đón nhận, bất chấp điều được đề nghị dường như là không thể xảy ra được và những hậu quả gay go của nó. Bản văn cho thấy niềm trông chờ trong quá khứ nay đã được thực hiện. Kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện.
Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao.
Trong câu chuyện dẫn nhập, chàng thanh niên kể lại: “Bằng tất cả con tim của mình, Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói với mọi người rằng: ‘Chúa ở với các con’.” Qua lời nói đó của mẹ Têrêsa Calcutta, chàng trai đã cảm nhận được Chúa ở với mình và đã thay đổi đời sống.
Đây cũng là lời thiên thần chào Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng bà.”
Đức Chúa đầy ân sủng hằng ở cùng chúng ta, làm sao không vui mừng được…