CN 4 Thường Niên B: Giáo huấn đầy uy quyền

CN 4 Thường Niên B: Giáo huấn đầy uy quyền

CN 4 Thường Niên B: Giáo huấn đầy uy quyền

A - ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

1. Câu chuyện

Ngày xưa, có một người giàu có xây nhà bên đường. Trước nhà ông có một cây to, rợp bóng mát. Mùa hè, khi mọi nhà phải chịu nóng bức, ngột ngạt thì ông nhà giàu cứ mặc nhiên ngả lưng dưới bóng cây, hưởng gió mát. Một hôm có anh nhà nghèo đi qua, thấy bóng cây mát liền ngồi nghỉ và thiếp đi lúc nào không biết.

– Ê, ai cho phép mày nằm nghỉ ở đây? Xéo ngay!  Ông nhà giàu quát

– Vì sao lại thế ? Anh nhà nghèo hỏi.

– Cái cây này là của tao, vì vậy cái bóng của nó cũng là của tao. Ông nhà giàu lý luận.

– Nếu vậy, ông hãy bán cho tôi cái bóng. Tôi sẽ trả tiền ông đàng hoàng. Xin ông đừng lo.

Nghe nói đến tiền, ông nhà giàu bán ngay cái bóng ấy cho anh nhà nghèo. Từ hôm ấy, hễ trời trở nóng, anh nhà nghèo lại ra ngồi dưới bóng cây nghỉ mát. Khi bóng cây ngả vào sân ông chủ, anh nhà nghèo cũng vào sân nghỉ; khi bóng cây ngả vào bếp hoặc vào phòng tiếp khách, anh nhà nghèo cũng theo vào những nơi đó. Chẳng những thế, anh còn cao hứng rủ rê bạn bè đến nghỉ. Ông nhà giàu tức lắm nhưng đành bấm bụng chịu.

Một hôm ông nhà giầu có khách. Khi bóng cây ngả vào phòng khách, anh nhà nghèo cùng đám bạn bè kéo luôn vào phòng khách nằm, khiến khách rất ngạc nhiên. Hỏi nguyên cớ thì ông nhà giàu cắn môi im lặng; anh nhà nghèo giải thích: “Cái bóng cây này là của tôi. Ông chủ đây đã đồng ý bán cho tôi rồi! Tôi có quyền nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào”. Đám khách cười nhạo ông chủ nhà, rồi bỏ ra về.

Ít ngày sau, ông nhà giàu bị cả làng chửi bới, còn lũ trẻ con hễ gặp ông ở đâu là bỉu môi chế giễu: “Đồ tham lam, bán cả cái bóng cây! ” Bị bẽ mặt, ông nhà giàu đành bỏ làng đi ở nơi khác. Thế là anh nhà nghèo không những được cái bóng cây, mà sử dụng được cả cái cây và ngôi nhà của ông nhà giàu, nhờ cái bóng cây đổ vào trong nhà.

2. Các Bài Đọc

Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn từ giữa dân, được đón nhận Lời Chúa và chỉ nói Lời Chúa mà thôi. Sứ điệp ngôn sứ đích thật là Lời Chúa, nên dân cần lắng nghe và đón nhận. (Bài đọc 1: Đnl 18,15-20)

Mỗi người có tự do chọn lựa bậc sống của mình: độc thân hay hôn nhân. Dù chọn bậc sống nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn luôn phải có chỗ đứng ở những mức độ khác nhau trong đời sống của mình. (Bài đọc 2: 1Cr 7,32-35)

Hình ảnh Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường Caphácnaum gợi nhớ đến sứ mạng của các ngôn sứ trong Cựu Ước. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại cho thấy Người như là vị ngôn sứ khác biệt qua cách giảng dạy và biểu lộ uy quyền của Người. (Bài Tin Mừng: Mc 1,21-28)

3. Tin Mừng: Mc 1,21-28

(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!”

Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

B - BỐI CẢNH TIN MỪNG

Giáo huấn đầy uy quyền

Đây là trình thuật về việc trừ quỷ mà Chúa Giêsu đã làm ở làng Caphácnaum, Galilê. Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu và kết thúc với lời khẳng định về giáo huấn của Đức Giêsu. Trong thực tế, việc trừ quỷ được đồng hóa với “một giáo huấn mới đầy uy quyền”. Vì thế, chủ đề ở đây là tính xác thực của giáo huấn của Chúa Giêsu.

Theo phong tục thời đó, Đức Giêsu là một người nam trưởng thành trong cộng đoàn, sẽ đến phiên giảng dạy trong hội đường. Người ta làm theo cách giảng dạy của các kinh sư. Những người giải thích luật dựa vào giáo huấn của các vị kinh sư có thế giá trước đây. Còn Đức Giêsu lại giảng dạy dựa trên chính thế giá của Ngài. Dân chúng trong hội đường nhận ra điều này và tán dương. Việc trừ quỷ Đức Giêsu thực hiện biểu lộ uy quyền và thế giá này của Ngài.

Đối đầu Thiện - Ác

Có một người đàn ông trong hội đường bị quỷ ô uế ám, và làm cho ông chịu nhiều đau khổ thể lý. Dân chúng thời đó tin rằng quỷ dữ tàn phá mọi nơi và mọi lúc có thể được. Nếu một người bị quỷ ám xuất hiện ở một nơi thánh thiện như hội đường, thì anh ta phải được chuyển đi. Đức Giêsu không để cho anh ta bị chuyển đi, thay vào đó Ngài xua trừ quỷ ô uế. Như thế, Ngài thiết lập Nước Thiên Chúa trong một hoàn cảnh hỗn loạn. Trình thuật này mô tả một sự đối đầu giữa sức mạnh của sự thiện và quyền lực của sự dữ.

Ma quỷ gọi tên Chúa Giêsu

Quỷ gọi tên Chúa Giêsu. Tên Ngài ở đây có những điểm rất đáng chú ý.

“Giêsu Nadarét”, xác định nơi sinh trưởng của Ngài: Tên làng này có liên hệ với chữ Nazirite, người được thánh hiến (Ds 6,2-21).

“Đấng thánh của Thiên Chúa” là tước hiệu hiếm gặp, qui chiếu đến mối liên hệ đặc biệt của Đức Giêsu với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta hiểu các tước hiệu này qui chiếu đến địa vị duy nhất của Đức Giêsu. Việc quỷ nhận biết sự trổi vượt của Đức Giêsu được xác nhận bởi câu hỏi nó đưa ra: “Có phải ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” Quỷ biết rằng đây là sự đối đầu của nó với Đức Giêsu.

Cấm ma quỷ nói

Đức Giêsu ra lệnh cho quỷ không được nói. Có phải Ngài không muốn những người khác nhận biết Ngài là ai?

Trong bối cảnh của một trình thuật mà điểm chính là giáo huấn uy quyền và quyền năng trên ma quỷ, mệnh lệnh này dường như hơi lạ lùng.

Tuy nhiên, người ta phải nhớ rằng trọng tâm của câu chuyện là uy quyền của Đức Giêsu, chứ không phải căn tính của Ngài. Điều này sẽ được mặc khải sau này. Còn ở đây muốn cho thấy uy quyền của Chúa khiến ma quỷ phải câm họng.

Kinh ngạc & loan truyền

Dân chúng ngạc nhiên về giáo huấn của Đức Giêsu, vì thế, họ kinh ngạc trước quyền năng của Ngài có trên ma quỷ.

Đức Giêsu làm cho quỷ im lặng, nhưng danh tiếng Ngài - là một vị tôn sư và là người trừ quỷ - vẫn vang xa khắp Galilê.

C - DUNG NHAN GIÊSU

Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

D - NIỀM VUI TIN MỪNG

Trong câu chuyện dẫn nhập, uy quyền của ông nhà giàu có khi lại làm hại chính ông. Còn uy quyền của Lời Chúa là uy quyền của tình thương, trừ khử được ma quỷ và luôn mang lại hạnh phúc cho con người.

E - LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa có thẩm quyền trên muôn vật muôn loài, và trên cả quỉ thần. Ý thức thân phận yếu đuối của con người, chúng ta cùng tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa, và tin tưởng dâng lời cầu xin:

1.  Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền trong hội đường của người Do Thái. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn xác tín sức mạnh tái sinh của Lời Chúa Kitô và hăng say rao giảng cho con người thời đại hôm nay.

2. Thế lực ma quỉ và sự dữ luôn tác động trong đời sống xã hội hôm nay dưới nhiều hình thức. Chúng ta cùng cầu xin cho các các nhà lãnh đạo quốc gia luôn biết can đảm đứng về phía sự thật và sự thiện để bảo vệ con người và gìn giữ hòa bình thế giới.

3. Chúa Giêsu đã dùng lời uy quyền để chữa lành người bị thần ô uế ám. Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang đau khổ tinh thần và thể xác trong thế giới hôm nay tìm được niềm an ủi và sức mạnh chữa lành nơi Lời Chúa và các cử hành bí tích.

4. Danh tiếng Chúa Giêsu được đồn ra khắp vùng lân cận xứ Galilêa. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” và hăng hái giới thiệu Người cho mọi người chung quanh.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha chí thánh, nhờ Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa đã giải thoát chúng con khỏi quyền lực sự dữ và ban tặng đời sống mới. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.