CN 5 Mùa Thường Niên B: Chúa là Đấng An Ủi

CN 5 Mùa Thường Niên B: Chúa là Đấng An Ủi

CN 5 Mùa Thường Niên B: Chúa là Đấng An Ủi

A. ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

1. Câu chuyện

Một chàng trai đang gặp nhiều khó khăn, anh bị tổn thương và trở nên mất niềm tin vào cuộc sống. Anh đến hỏi một ông già thông thái.

Nghe kể xong, ông chẳng nói lời nào mà chỉ im lặng đặt chiếc nồi lên bếp, đổ vào nồi một ít nước và cho vào một củ cà rốt, một cục muối và một quả trứng. Sau khi đun sôi, ông mở nắp và trầm ngâm im lặng nhìn anh ta.

Sau một hồi ông bắt đầu nói: “Ai sống trên đời cũng phải trải qua khó khăn, thử thách cả. Nhưng điều quan trọng là sau đó mọi việc sẽ như thế nào? Hãy nhìn xem cục muối với vẻ rắn chắc bên ngoài nhưng khi bỏ vào nước là tan, củ cà rốt cứng cáp khi bị nóng cũng trở nên mềm đi. Còn quả trứng tuy mỏng manh nhưng khi qua nước sôi nóng bỏng lại trở nên cứng cáp hơn”.

2. Các Bài Đọc

Cuộc đời chóng qua như hơi thở, hạnh phúc có lúc trở nên thật mong manh. Và nhiều khi đau khổ còn làm cho con người rơi vào tình trạng chán nản và vô vọng.

Tinh thần đầy bi quan và ảm đạm của Gióp về mọi điều đang diễn ra nơi cuộc sống của ông như muốn dẫn chúng ta đến một vấn đề nan giải: Thiên Chúa ở đâu khi con người bất lực trước sự dữ? (Bài đọc 1: G 7,1-4.6-7)

Đối với thánh Phaolô, việc rao giảng Tin Mừng là vấn đề sống còn, là một bổn phận mà chính mình buộc mình phải thực hiện mà không nhận bất cứ một lợi lộc nào. Đây cũng chính là chuẩn mực cho mỗi Kitô hữu muốn trở nên những người tôi tớ của công cuộc loan báo Tin mừng. (Bài đọc 2: 1Cr 9,16-19.22-23)

Một ngày sống được xem như sứ vụ của Đức Giêsu có thể tóm kết xoay quanh mấy hành động chính: loan báo Tin mừng - xua trừ ma quỷ - chữa lành mọi bệnh tật - gắn bó với Chúa Cha qua cầu nguyện. (Bài Tin Mừng: Mc 1,29-39)

3. Tin Mừng: Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

B. BỐI CẢNH TIN MỪNG

Bản văn này gồm ba phần. Nó bắt đầu với một trình thuật chữa lành, sau khi Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi hội đường trong ngày Sabát. Họ vào nhà ông Simon và Ngài cầm lấy tay nhạc mẫu ông mà đỡ dậy. Không nói một lời nào, Ngài đã chữa lành bà và bà phục vụ các ngài.

Câu chuyện có nhiều ý nghĩa thần học. Trước hết, Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát, hành động mà sau này bị người ta coi là vi phạm luật (Mc 3,2). Kế đến, hành động “đỡ dậy” thường được dùng trong các trình thuật về việc sống lại. Thời đó, người ta quan niệm rằng một cách nào đó bệnh nhân là người nằm dưới quyền lực của tử thần. Cuối cùng, sau khi được chữa lành bà đã đi phục vụ các ngài. Đó là việc phục vụ trong cộng đoàn. Câu chuyện này là một trình thuật về việc Đức Giêsu thi hành quyền bính trên sự chết. Người được giải thoát khỏi quyền lực sự chết sẽ đi phục vụ những người khác.

Phần hai của bản văn cũng là một trình thuật chữa lành. Dân chúng đưa mọi kẻ ốm đau và bị quỷ ám đến để được chữa lành. Mặt trời đã lặn, vì thế họ không lỗi luật Sabát. Trình thuật kể lại những phép lạ Đức Giêsu làm, nhưng không nói chi tiết. Ngài chữa lành và trừ quỷ, và cấm quỷ làm lộ ra căn tính của Ngài.

Những mâu thuẫn trong phần này rất rõ ràng. Danh tiếng của Đức Giêsu lan rộng khắp nơi, đến nỗi Ngài bị buộc phải vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Simon và những người khác nghĩ rằng Đức Giêsu nên khai thác danh tiếng của Ngài. Theo họ, cách hành xử của Ngài đầy mâu thuẫn. Ngài thực hiện những điều kỳ diệu rồi bỏ đi. Đức Giêsu nhận ra rằng đám đông đến với mình vì họ muốn các phép lạ. Nhưng Ngài muốn các đám đông lắng nghe Tin Mừng mà Ngài rao giảng, tuy nhiên, Ngài vẫn làm các phép lạ. Quỷ dường như biết Ngài là ai, và Ngài sắp làm gì, trong khi những người theo Ngài và đám đông lại hiểu lầm Ngài và sứ vụ của Ngài. Mọi sự trong phần này đều phức tạp.

Bản văn kết thúc với tuyên bố rằng tất cả sứ vụ của Ngài là rao giảng và trừ quỷ. Hai việc này thực sự nối kết với nhau. Sứ điệp chính yếu của Ngài là thiết lập Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, trước khi Nước Thiên Chúa có thể vững chắc, thì Ngài phải loại trừ sự thống trị của quỷ dữ. Trừ quỷ là sự đối đầu giữa quyền năng Thiên Chúa trong Đức Giêsu và quyền lực của quỉ dữ. Việc trừ quỷ là chứng cứ bên ngoài của quyền bính của Đức Giêsu, và sự đáng tin cậy của Tin Mừng Ngài rao giảng. Vì thế, các công việc của Đức Giêsu được tóm gọn theo cách này.