Tại một xứ cùng quê nước Pháp, có một người đàn ông khoảng 50 tuổi tên là Alix. Ông bị bại liệt. Mỗi buổi sáng, bà vợ đặt ông vào một ghế bành ngoài hiên nhà rồi đi làm. Ông bà không con, không cháu.
Ông Alix không phải là người Công giáo, nhưng thỉnh thoảng cha sở vẫn tới thăm, cha còn khuyên giáo dân tới giúp đỡ ông. Các em nhỏ tới chơi quanh ông, đem sách cho ông đọc và giúp ông mở sách. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện tới chăm sóc ông.
Giáng sinh năm đó, ông Alix đột ngột thưa cha sở: “Thưa cha, xin cha cho con rước lễ.”
Cha sở ngạc nhiên vì ông chưa là tín hữu. Nhưng ông thưa: “ Trước đây con không tin gì vào Thiên Chúa, nhưng ít lâu nay cha và anh em giáo hữu quá tốt với con nên con thấy hạnh phúc như mình được gặp Chúa vậy. Chỉ có Chúa mới làm cho cha, bác sĩ và anh chị em bỏ công sức giúp đỡ một người xa lạ như thế này.”
Nếu dân biết từ bỏ đường lối gian ác và tư tưởng bất lương của mình thì Đức Chúa sẽ ban cho họ Thời đại mới: được no đủ, được vinh hiển nhờ Lời của Chúa. (Bài đọc 1: Is 55,1-11)
Chỉ có niềm xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được Thiên Chúa sinh ra và nhờ đó mới có khả năng để chiến thắng thế gian. (Bài đọc 2: 1Ga 5,1-9)
Chúa Cha đã xác định căn tính của Đức Giêsu khi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu tại sông Giođan. (Bài Tin Mừng: Mc 1,7-11)
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Bản văn gồm: phần đầu nói đến sứ điệp của Gioan và phần hai mô tả Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu.
Đây là ý chính của lời rao giảng của Gioan, và làm cho ông có tước hiệu là vị Tiền Hô. Ông không chỉ đến trước Chúa Giêsu, nhưng ông còn chuẩn bị dân chúng đón nhận Chúa Giêsu.
Ông làm điều này bằng cách so sánh ông và phép rửa của mình với Chúa Giêsu và phép rửa của Ngài. Gioan không do dự nhấn mạnh mình thấp kém hơn Chúa Giêsu.
Trước tiên, ông tuyên bố rằng Chúa Giêsu lớn hơn ông. Mặc dù không giải thích điều này, ý nghĩa của bản văn cho thấy Gioan đang nói về quyền bính của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trổi vượt hơn ông, ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài. Ông không hạ phẩm giá của mình, nhưng ông đang tôn vinh Chúa Giêsu.
Kế đến, Gioan so sánh hai phép rửa. Ông rửa bằng nước. Nhiều tôn giáo cổ xưa thực hành nghi thức thanh tẩy. Hành động thanh tẩy như thế có giá trị biểu tượng bên trong, bởi vì nước thanh tẩy mọi vật.
Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa trong Thần Khí. Điều này là một qui chiếu đến thời cánh chung, khi Thiên Chúa hứa “rảy nước trên ngươi để thanh tẩy mọi ô uế”, và “ban cho ngươi một trái tim mới, và một thần khí mới trong ngươi” (Ed 36,25-26).
Bản văn không giải thích tại sao Đức Giêsu chịu phép rửa thống hối. Theo trình thuật này, đây không phải là một sự kiện gây cho người khác chú ý nhiều. Chỉ một mình Đức Giêsu thấy trời mở ra, và thấy chim bồ câu ngự xuống, và tiếng nói gửi đến trực tiếp cho Ngài. Không có chỉ dẫn nào cho thấy người nào khác thấy hay nghe được điều gì. Dường như đây là một khẳng định riêng tư cho tầm quan trọng của sứ vụ Mêsia của Ngài.
Nhiều truyền thống khác nhau làm cho trình thuật này trở nên phi thường. Ý nghĩa thần học rất phong phú và đầy đủ.
Trước hết, Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu như đã ngự xuống trên các ngôn sứ xưa kia (Is 61,1). Như thế, người ta có thể nói có một chiều kích ngôn sứ trong sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu.
Kế đến, câu nói: “Con là Con yêu dấu của Ta” xác định chiều kích vương đế của Đức Giêsu (Tv 2,7), vì người ta tin rằng các vị vua là thiên tử, nên có khía cạnh thần linh ở đây.
Thêm vào đó, lời này làm vọng lại hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa (Is 42,1).
Cuối cùng, “Con yêu dấu” gợi lại nhân vật con yêu dấu là Isaac, người đã bị cha đặt lưỡi dao vào người trong cuộc thử thách của Abraham (St 22,2). Trong bối cảnh ơn gọi Mêsia, có ẩn nấp hình bóng của đau khổ và cái chết.
Việc Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan không phải để nhận ơn thống hối về tội lỗi. Nhưng nó là cơ hội để có một khẳng định của Thiên Chúa về căn tính Đấng Mêsia của Đức Giêsu.
Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Trong câu chuyện dẫn nhập, tình thương của cha sở và giáo dân của ngài đã giúp ông Alix nhận ra rằng: ông cũng là con yêu dấu của Chúa Cha. Và ông đã trở về với Cha trên trời.
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Cha đã sai Con Một Người đến trần gianthực hiện phép Rửa mới trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn trung thành và nhiệt tâm với sứ mạng đã được ủy thác khi lãnh nhận bí tích Rửa tội.
2. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người đang thành tâm tìm kiếm chân lý, biết nghe theo sự soi dẫn của Thánh Thần mà tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
3. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu luôn ý thức và nhiệt tình giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho mọi người chung quanh bằng chính đời sống gương mẫu của mình.
4. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết sống tâm tình của người con thảo, luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa để được sống trong tình thương yêu chăm sóc của Người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin thương nhận những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con, và giúp mỗi người chúng con luôn sống xứng đáng với ơn gọi của mình qua Bí tích Rửa tội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.