Vào năm 1990, cậu bé Macaulay Culkin đã thành siêu sao màn ảnh nhờ bộ phim "Ở nhà một mình" . Bộ phim này đạt doanh thu hơn 500 triệu đô la. Với số tiền lớn do cậu con mang về, bố mẹ cậu - ông Culkin là ông từ tại một nhà thờ ở NewYork, và bà Patrica Bentrup là một nhân viên trực điện thoại - liền bỏ việc, ở nhà làm chủ những món tiền lớn phát xuất từ tài năng còn nhiều hứa hẹn của cậu nhỏ.
Nhưng kể từ khi hai ông bà ở nhà, mái ấm gia đình trở thành bất ổn. Bố mẹ Macaulay Culkin thường xuyên gây gổ với nhau, lúc ấy Macaulay Culkin đã 15 tuổi. Buồn nản và cô độc trong gia đình, cậu thường tìm giải khuây trong những bữa tiệc vô độ ở những hộp đêm. Hậu quả là sự nghiệp của ngôi sao đang lên này đã khựng lại. Ba bộ phim sau này do cậu thủ vai chính hoàn toàn không đạt được thành công như những bộ phim ban đầu.
Sách Huấn Ca khuyên con cái hiếu thảo với cha mẹ mình vì đó là ý muốn của Thiên Chúa, được thể hiện qua những việc cụ thể: “thờ cha”, “kính mẹ”, “tôn vinh cha”, “làm cho mẹ an lòng”, “săn sóc cha”, “chớ làm người buồn tủi”, “người có lú lẫn, phải cảm thông” và “không khinh dể cha mẹ mình”. (Bài đọc 1: Hc 3,3-7.14-17a)
Cuộc sống gia đình phải được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và đời sống cầu nguyện để có những đức tính: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau. Thánh Gia thất đã sống như thế và trở thành một gương mẫu cho mọi gia đình (Bài đọc 2: Cl 3,12-21 & Bài Tin Mừng: Lc 2,22.39-40)
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
25 Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa.
27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài."
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người. 34 Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời
chống báng; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.
38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ này là một việc đạo đức. Nó cho thấy Đức Giêsu được lớn lên trong một gia đình giữ luật chu đáo.
Năm lần tác giả nói rằng cha mẹ Đức Giêsu làm như Luật Chúa truyền (Lc 2, 22.23.24.27.39). Các ngài đã làm theo chiếu chỉ kiểm tra dân số của hoàng đế (Lc 2,1-5).
Nghi thức thanh tẩy người mẹ sinh con theo luật Môsê phát xuất từ niềm tin rằng sức mạnh của sự sống nằm trong máu là thánh thiêng, và thuộc về Thiên Chúa. Vì bản chất huyền nhiệm của sức mạnh đó, người ta phải tách biệt nó khỏi những hoạt động thế tục. Khi không thể tách biệt được, những người và đồ vật tiếp xúc với máu phải được thanh tẩy. Đó là lý do tại sao việc con người sinh ra và chết đi phải có nhiều nghi thức thanh tẩy.
Nghi thức thứ hai là một cách tuyên bố rằng người con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Chuộc lại người con là nhận biết rằng nó trước hết thuộc về Thiên Chúa.
Giống như các ngôn sứ thời cổ xưa của Israel, ông Simêon được Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ba lần tác giả nói rằng chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn ông (Lc 2,25.26.27). Ông mong chờ niềm an ủi của Israel của thời đấng Mêsia. Thấy Hài nhi, ông nhận ra em là đối tượng của lòng khao khát của mình, Đấng là vinh quang của Israel và ánh sáng thế gian. Ông cũng báo trước sự chống đối mà Đức Giêsu phải chịu. Một số người đón nhận Ngài và một số thì không.
Cảnh này xảy ra ở sân Đền Thờ dành cho phụ nữ, vì ông Simeon nói với Đức Maria. Đây là lối ứng xử lạ thường, vì đàn ông không nói chuyện với phụ nữ xa lạ, đặc biệt ở nơi công cộng. Những lời ông nói có những bí ẩn, khó hiểu. Rất rõ ràng việc người con bị chống đối sẽ như lưỡi gươm đâm thâu lòng người mẹ, nhưng tại sao điều này lại làm lộ ra những ý nghĩ ở thâm tâm nhiều người.
Một phụ nữ khác là nữ ngôn sứ Anna đã tham dự vào cuộc gặp gỡ này. Bà là một góa phụ đã già, bà ở trong Đền Thờ để cầu nguyện và ăn chay. Giống như ông Simêon, bà trông chờ việc thực hiện các lời hứa về Đấng Mêsia. Bà đã nghe những gì ông Simêon nói, vì thế bà xác tín về căn tính của Hài nhi, và bà loan báo điều này cho mọi người những ai mong chờ niềm hy vọng vào Đấng Mêsia.
Dù ông Simêon và bà Anna không thuộc về những người cai quản Đền Thờ, họ là những người nhận ra hài nhi là Đấng Mêsia, còn những người kia thì không. Điều này cho thấy những hiểu biết thâm sâu về tôn giáo đến từ những người đạo đức trung tín và chân thật hơn là những người có chức vụ chính thức.
Thiên Chúa và các đường lối của Ngài được mặc khải cho những người biết mở tâm trí ra với Ngài. Lòng đạo đức của ông Simêon và bà Anna giúp họ đón nhận những mặc khải bất ngờ của Thiên Chúa.
Gia đình của Đức Giêsu trở về Nadarét để sống cuộc đời âm thầm, khiêm tốn. Mặc dù Hài nhi Giêsu lớn lên như những trẻ khác, nhưng Ngài đang chờ đợi giờ của Ngài sẽ đến.
Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Câu chuyện dẫn nhập cho thấy một khi gia đình để cho tiền của chi phối, tổ ấm sẽ bị xáo trộn, con cái hư hỏng, điển hình là tổ ấm của gia đình của cậu Macaulay Culkin.
Tiền của không làm nên hạnh phúc. Hạnh phúc thật trong gia đình chỉ có được khi người ta biết sống một tình yêu quảng đại trong chân lý, luôn thực hiện thánh ý Chúa như gia đình Nadarét.