CN Mồng 3 Tết Tân Sửu: Tôi Tớ Tốt và Trung Tín

CN Mồng 3 Tết Tân Sửu: Tôi Tớ Tốt và Trung Tín

CN Mồng 3 Tết Tân Sửu: Tôi Tớ Tốt và Trung Tín

A. ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

1. Câu chuyện

Có một câu chuyện huyền thoại về con trâu như sau:  Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống trần gian mang theo 1 bao hạt giống lúa và 1 bao cỏ để gieo xuống trần gian. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật.

Nhưng khi vị thần này đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mãi mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau.

Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết, vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ.

Bởi lỗi ấy của vị thần, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị thần này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp trở về thiên đường.

2. Các Bài Đọc

Thiên Chúa sáng tạo nên trời đất, dựng nên mọi loài bằng tất cả tình thương và cứu độ của Ngài. Qua việc Chúa lấy bùn đất nặn nên con người và thổi sinh khí vào mũi con người, cho ta thấy Thiên Chúa đã dùng sức lao động sáng tạo để cho con người hiện hữu trong lịch sử cứu độ. (Bài đọc 1: St 2,4b-9.15)

Để thực thi sứ mạng Kitô hữu sống giữa đời, chúng ta dùng chính việc làm hằng ngày, dùng chính sức lao động của mình trong công việc làm ăn lương thiện. Nhờ lao động, chúng ta có cơ hội và phương tiện để thực thi đức bác ái với anh chị em mình. (Bài đọc 2: Cv 20,32-35)

Thiên Chúa đã tin tưởng yêu thương giao cả vũ trụ này cho con người chúng ta quản lý. Là quản lý, mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm việc để sinh lời những gì Thiên Chúa đã giao cho mình. Dù kết quả như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng tin chắc rằng, những lao công của chúng ta luôn có một giá trị vĩnh cửu, có sức đem lại sự sống muôn đời cho chúng ta sau này. (Bài Tin Mừng: Mt 25,14-30)

3. Tin Mừng: Mt 25,14-30

"Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.

Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây." Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" 

Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây." Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" 

Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!" 

Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

B. BỐI CẢNH TIN MỪNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người chủ tin tưởng vào ba người đầy tớ, vì ông trao cho mỗi người một số tiền lớn. Vì một yến bạc bằng 6.000 ngày công. Ông chủ trao cho họ số tiền khác nhau, tùy theo khả năng của họ, rồi ông ra đi.

Khi người chủ trở về, ông tính sổ với các đầy tớ. Hai người đầu cho thấy: trong thời gian ông vắng mặt, họ đã làm việc chăm chỉ, làm tăng gấp đôi số tiền được giao cho họ. Chính cách cư xử của người đầy tớ thứ ba cho thấy ý nghĩa của sự chuẩn bị. Anh ta biện minh với ông chủ. Đáp lại sự biện minh đó, ông chủ nói đến việc người đầy tớ không biết sinh lợi cho ông chủ. Người đầy tớ bị gọi là tồi tệ, vô dụng, lười biếng, và bị buộc trả lại yến bạc đã được giao cho anh ta. Bây giờ anh không còn gì cả. Như thể việc này chưa đủ, người đầy tớ vô dụng bị đuổi ra khỏi nhà. Phán xét của ông chủ là nhanh chóng và không giảm bớt.

Dụ ngôn này soi sáng ý nghĩa của việc chuẩn bị. Nó không phải là sự chờ đợi thụ động, hay không dấn thân, bởi vì nỗi sợ thất bại. Đúng hơn, người có sự chuẩn bị được thưởng vì nhận ra rằng mình là quản lý, và tìm cách làm gia tăng những khả năng mình đã nhận được. Thời gian chờ đợi là thời gian của cơ hội, của sự dấn thân hoạt động, của sự gia tăng sáng tạo. Tương lai cánh chung của một người không phụ thuộc vào mức độ tài năng của người ấy, nhưng phụ thuộc vào cách người ấy sử dụng tài năng của mình khi chờ Chúa đến.

Tôi tớ tốt và trung tín

Nước Thiên Chúa mà chúng ta muốn tham dự đòi hỏi chúng ta phải siêng năng làm việc khi chờ đợi. Chúng ta được ủy thác các tài năng và chúng ta bị đòi hỏi phải sử dụng các tài năng này với hết sức mình, phải đầu tư công sức ở đây và bây giờ. Chúng ta được mời gọi làm việc chăm chỉ với tinh thần trách nhiệm. Giá trị của chúng ta không nằm ở chỗ hiệu quả công việc, nhưng là lòng kính sợ Thiên Chúa. Lòng kính sợ ở đây là việc cam kết dấn thân của con người đối với Thiên Chúa, đưa lại kết quả tốt đẹp trong công việc của mình.

Sự tự nguyện chịu mạo hiểm

Sự trung tín với Nước Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta sẵn sàng chịu mạo hiểm. Thời gian Chúa ngự đến thì chúng ta không biết, vì thế có một loại ngập ngừng thăm dò đối với các kế hoạch của chúng ta. Chúng ta phải sử dụng thời gian mà không có sự bảo đảm rằng mình sẽ thu hoạch được kết quả của việc đã đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta phải lập kế hoạch và thực hiện chúng, phải đầu tư thời gian, tài năng và bản thân vào cuộc sống này.

Từ chối mạo hiểm là từ chối tin tưởng. Nó đòi hỏi sự chắc chắn và hiểu biết tuyệt đối về tương lai, hay ít nhất một sự kiểm soát nào đó trên những hoàn cảnh của cuộc sống. Từ chối mạo hiểm là đòi hỏi sự bảo đảm rằng chúng ta không bao giờ thất bại. Chúng ta không thể hy vọng đứng trước nhan Chúa trong ngày cuối cùng và tuyên bố rằng chúng ta không làm gì cả vì sợ rằng không thành công. Chúng ta sẽ không bao giờ biết chúng ta có thể thành công như thế nào, nếu chúng ta từ chối mạo hiểm.

Nếu chúng ta khôn ngoan và chăm chỉ làm việc với các khả năng được Chúa ban cho, chúng ta sẽ được thưởng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nhận ra tài năng của mình, và nếu chúng ta không sử dụng chúng theo cách Chúa muốn, chúng ta sẽ bị phạt.