Nét nhân bản và tinh thần Kitô giáo trong liệu pháp ‘Thân Chủ - Trọng Tâm’ (Client-Centered Therapy) của Carl Ransom Rogers (tiếp theo)

Nét nhân bản và tinh thần Kitô giáo trong liệu pháp ‘Thân Chủ - Trọng Tâm’ (Client-Centered Therapy) của Carl Ransom Rogers (tiếp theo)

Nét nhân bản và tinh thần Kitô giáo trong liệu pháp ‘Thân Chủ - Trọng Tâm’ (Client-Centered Therapy)  của Carl Ransom Rogers  (tiếp theo)

Các đặc điểm của mối tương quan giúp đỡ

Mối tương quan “giúp đỡ” có những đặc điểm khác với mối tương quan không “giúp đỡ”. Các đặc điểm khác nhau trước hết liên quan đến thái độ của người “giúp đỡ”, và nhận thức của người “được giúp đỡ” về mối tương quan (Rogers, 1994, 78).

1. Mối tương quan trị liệu như một mối tương quan giúp đỡ

Rogers từ bỏ cả việc coi mối tương quan trị liệu là một điều gì đó thiêng liêng và coi nó khác với các kiểu tương quan giúp đỡ khác (cha mẹ - con cái, bác sĩ - bệnh nhân, thầy - trò, v.v.). Đặc điểm của mối tương quan giúp đỡ (Ariano, 1990, 123-124) là mối tương quan trong đó ít nhất một trong hai người nhắm thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển, trưởng thành, đạt được cách hành động phù hợp và thống nhất nơi người kia. Người kia, theo nghĩa này, có thể là một cá nhân hoặc một nhóm. Nói cách khác, mối tương quan giúp đỡ có thể được định nghĩa là một tình huống trong đó một trong những người tham gia cố gắng thúc đẩy, ở một bên hoặc ở cả hai bên, một sự đánh giá cao hơn những nguồn lực của đối tượng và một khả năng diễn đạt lớn hơn (Rogers, 1994, 68).

2. Nghiên cứu về thái độ

Các nghiên cứu về tương tác trợ giúp đều cố gắng xác định thái độ của người mà họ hỗ trợ nên như thế nào, và điều gì có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển nhân cách. Chúng ta thử xem xét một số các nghiên cứu.

Heine (trích dẫn trong Rogers, 1994, 71-72) đã nghiên cứu một số đối tượng được các chuyên gia của các trường phái khác nhau điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Khi được hỏi điều gì đã tạo ra những thay đổi, họ đưa ra những lời giải thích khác nhau, tùy thuộc vào định hướng của nhà trị liệu. Tuy nhiên, trong số các yếu tố hữu ích nhất, tất cả đều đưa ra những khía cạnh tương quan: tin vào nhà trị liệu, cảm thấy nhà trị liệu hiểu mình, cảm giác độc lập khi chọn lựa hoặc quyết định. Tiến trình trị liệu mà họ thấy hữu ích nhất là tiến trình mà nhà trị liệu làm sáng tỏ và xác định những cảm xúc mà thân chủ đã ám chỉ một cách mơ hồ và do dự. Theo các bệnh nhân, các yếu tố không tích cực của mối tương quan là: thiếu quan tâm, thiếu tình cảm và thờ ơ. Họ cũng không nhận thức được thực tế là nhà trị liệu đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể hoặc đã đặt trọng tâm vào quá khứ hơn là các vấn đề hiện tại có ích.

Fiedler (trích dẫn trong Rogers, 1994, 72) nhận thấy rằng một số nhà trị liệu có kinh nghiệm, ngay cả khi có định hướng khác nhau, đã thiết lập các mối quan hệ trị liệu tương tự về cơ bản với thân chủ của họ. Chẳng hạn: khả năng hiểu được cảm xúc và ý nghĩa của thân chủ, nhạy cảm với thái độ của thân chủ, thực sự quan tâm nhưng không thái quá về cảm xúc.

Một nghiên cứu của Quinn (trích dẫn trong Rogers, 1994, 72) làm sáng tỏ những gì cần thiết để hiểu ý nghĩa và cảm xúc của thân chủ. Nghiên cứu này đáng ngạc nhiên ở chỗ nó chỉ ra rằng “hiểu” cảm xúc của thân chủ về bản chất là một “mong muốn” hiểu. Quinn mời một số người tham gia thí nghiệm nghe một bản ghi âm về một vài xác quyết của các nhà trị liệu trong các cuộc phỏng vấn khác nhau. Những người này không biết nhà trị liệu đang phản ứng với điều gì, hoặc phản ứng của thân chủ ra sao. Nhưng người ta nhận thấy rằng mức độ hiểu biết có thể được đánh giá tốt ngang nhau từ dữ liệu này hoặc từ việc lắng nghe cùng dữ liệu này được đặt trong bối cảnh của nó. Do đó, có vẻ khá rõ ràng rằng đó là thái độ “muốn hiểu” bản chất của những gì được truyền đạt.

Về chất lượng tình cảm của mối tương quan, Seeman (trích dẫn trong Rogers, 1994, 72) nhận thấy rằng thành công trong liệu pháp tâm lý gắn liền với sự thấu cảm sâu sắc và sự tôn trọng ngày càng tăng giữa thân chủ và nhà trị liệu.

Không cần phải hoàn toàn chấp nhận kết quả của các nghiên cứu khác nhau này, một số dấu hiệu quan trọng có thể được rút ra từ chúng: chính thái độ và cảm xúc của nhà trị liệu, chứ không phải là các định hướng lý thuyết của anh ta, là quan trọng trong mối quan hệ trị liệu; đó là nhận thức của thân chủ về thái độ hoặc kỹ thuật của nhà trị liệu là yếu tố quyết định cho sự thành công của liệu pháp (sđd, 73).

3. Mối tương quan “thao túng”

Bây giờ chúng ta cùng xem xét một số nghiên cứu thuộc một loại rất khác, một số nghiên cứu gần như bị coi là không ổn, tuy nhiên có thể giúp chúng ta hiểu bản chất của một mối tương quan “giúp đỡ”. Những nghiên cứu này liên quan đến một số trường hợp cụ thể của các mối quan hệ “thao túng”.

Verplanck, Greespoon và những người khác (trích dẫn trong Rogers, 1994, 73) đã chỉ ra rằng, trong một mối tương quan, có thể tạo một điều kiện tác động bằng lời nói. Nói vắn gọn, nếu người thử nghiệm nói “Mhmm” hoặc “Tốt”, hoặc gật đầu, sau một số loại từ hoặc phát biểu, những từ đó có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn sau đó, vì chúng đã được củng cố. Người ta đã chỉ ra rằng, bằng cách sử dụng các thao tác như vậy, có thể làm gia tăng các loại ngôn từ khác nhau, chẳng hạn như tên riêng, từ ngữ thù địch, phát biểu những quan điểm mà người đó không nhận ra rằng mình đang bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào. Sau đó, bằng cách củng cố có chọn lọc, chúng ta có thể khiến đối tác, trong một mối tương quan, sử dụng những loại từ đó và đưa ra những loại khẳng định mà chúng ta đã quyết định củng cố.

Tiếp tục tuân theo các nguyên tắc tạo điều kiện tác động được Skinner và cộng sự nghiên cứu, Lindsley (trích dẫn trong Rogers, 1994, 74) đã chỉ ra rằng một người tâm thần phân liệt mãn tính có thể được đặt trong một “mối tương quan giúp đỡ” với máy móc. Máy, tương tự như máy vận hành bằng đồng xu, có thể được điều chỉnh để thưởng cho một số hành vi nhất định: ban đầu, nó được giới hạn để thưởng cho bệnh nhân khi anh ta nhấn vào một đòn bẩy, có được một chiếc bánh, một điếu thuốc hoặc với một bức tranh. Nhưng có thể thiết kế máy sao cho việc nhấn đòn bẫy tạo ra hình ảnh một chú mèo đói trên màn hình có được một ly sữa. Trong trường hợp này sự hài lòng là tính vị tha. Thông qua phần thưởng, mục đích là phát triển những hành vi có tính xã hội hoặc vị tha tương tự như vậy, đối với một bệnh nhân khác ở phòng kế bên. Giới hạn duy nhất đối với các loại hành vi có thể được khen thưởng nằm ở sự khéo léo kỹ thuật của nhà thử nghiệm.

Một nghiên cứu thú vị khác do Harlow và các trợ lý của ông thực hiện (trích dẫn trong Rogers, 1994, 74-75), lần này là với khỉ. Một số khỉ con rất nhỏ, bị tách khỏi mẹ ngay sau khi sinh, trong một thời gian thí nghiệm, đã sống với hai đối tượng: một, có thể gọi là “mẹ cứng”, là một mô hình khỉ mẹ bằng lưới thép, có một núm vú cung cấp sữa cho khỉ con; đối tượng kia, “người mẹ dịu dàng”, là một mô hình tương tự “mẹ cứng”, nhưng được làm bằng cao su và vải mịn. Tất cả các khỉ con, dù nhận được toàn bộ thực phẩm từ “bà mẹ cứng”, nhưng rõ ràng ngày càng yêu thích “bà mẹ dịu dàng” hơn.  Những thước phim quay lại cho thấy: đám khỉ con đã “đi vào mối tương quan” với “bà mẹ dịu dàng”, chơi đùa, vui thú, ôm đối tượng vào lòng và cảm thấy an toàn khi có đối tượng lạ xuất hiện. Rõ ràng, số lượng thức ăn được cung cấp như một phần thưởng không thể thay thế cho một số chất lượng tri giác mà đám khỉ con cần.

4. Cách thế tạo được một tình huống trợ giúp

Rogers muốn minh họa các vấn đề mà các nghiên cứu đã phát triển và kinh nghiệm lâm sàng của ông đặt ra cho ông. Ông trình bày một số giả thuyết hướng dẫn hành vi bản thân khi bắt đầu tiến trình mà ông hy vọng sẽ là mối tương quan “giúp đỡ”, với các sinh viên, với các nhóm hoặc các gia đình. Chúng ta liệt kê các vấn đề mà Rogers trình bày ở ngôi thứ nhất (Rogers, 1994, 78-85).

1) Tôi có thể được người khác coi là đáng tin cậy, trung thực theo nghĩa sâu nhất của thuật ngữ này không? Tôi nghĩ rằng nếu tôi đã đáp ứng các điều kiện bên ngoài của sự tin tưởng: giữ lịch hẹn, giữ bí mật nghề nghiệp, v.v. và nếu tôi liên tục cư xử theo cách tương tự trong các cuộc phỏng vấn, thì điều kiện thứ nhất này thỏa đáng.

2) Với tư cách là một con người, tôi có đủ biểu cảm cách rõ ràng với những gì người khác truyền đạt cho tôi không? Khi tôi cảm thấy chán người khác, nhưng tôi không nhận thức được điều đó, thì giao tiếp của tôi chứa đựng những thông điệp trái ngược nhau. Lời nói của tôi truyền đạt một điều gì đó, nhưng tôi cũng truyền đạt một cách mặc nhiên rằng tôi cảm thấy buồn chán; điều này khiến người ta phật lòng, mất lòng tin, ngay cả khi chính họ cũng không nhận ra rõ ràng điều gì đã gây ra cho họ khó khăn đó. Nếu trong một mối tương quan, tôi chân thực đúng mực, nếu những cảm xúc liên quan đến mối tương quan được tỏ bày rõ ràng với bản thân lẫn với người khác, tôi có thể hầu như chắc chắn rằng đây là mối tương quan giúp đỡ. 

3) Tôi có thể cho phép mình trải nghiệm những thái độ tích cực đối với một người khác: thái độ nồng nhiệt, cảm thông, quan tâm, tôn trọng không? Điều này không dễ. Tôi thấy trong mình, và có lẽ người khác cũng vậy, một nỗi sợ hãi về những cảm xúc này. Khi cho phép mình tự do trải nghiệm những cảm xúc tích cực đối với người khác, chúng ta sợ liên lụy, như thế chúng ta sợ phải tự vấn mình đến mức làm lung lay sự tự tin của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta cố gắng duy trì một khoảng cách nhất định giữa mình và người khác, thông qua thái độ khinh khỉnh, hoặc một thái độ chuyên nghiệp, hoặc một tương quan vô liên vị.

4) Tôi có đủ mạnh mẽ như một người để tôn trọng sâu sắc cảm xúc, nhu cầu của tôi, cũng như cảm xúc và nhu cầu của người khác không? Khi tôi tự do cảm nhận sức mạnh từ sự tự chủ, tôi có thể thúc đẩy bản thân nhiều hơn trong việc hiểu và chấp nhận người khác, bởi vì tôi sẽ không sợ đánh mất bản thân khi làm như vậy.

5) Tôi có đủ vững vàng để cho phép người kia khác biệt với tôi không? Về vấn đề này, tôi nghĩ đến nghiên cứu ngắn gọn nhưng thú vị của Farson (trích dẫn trong Rogers, 1994, 82): nhà trị liệu tâm lý kém hòa nhập và không có năng lực có khuynh hướng làm cho bản thân phù hợp một số khía cạnh nào đó của thân chủ (để thân chủ làm mẫu cho mình). Nhà trị liệu tâm lý hòa nhập tốt và có năng lực sâu sắc có thể duy trì mối quan hệ lâu dài với thân chủ mà không ảnh hưởng đến sự tự do phát triển nhân cách hoàn toàn khác biệt của họ.

6) Tôi có thể bước vào thế giới cảm xúc và ý nghĩa cá nhân của người khác, để nhận thức chúng một cách trọn vẹn đến mức tôi không còn muốn đánh giá hay phán xét người khác không? Tôi có thể đi vào thế giới đó cách nhạy cảm đến mức tôi có thể di chuyển tự do, không dẫm lên những ý nghĩa quý giá đối với người khác không? Với những thân chủ trong liệu pháp, tôi thường ấn tượng rằng: ngay cả một chút hiểu biết về sự thấu cảm, ngay cả một nỗ lực bấp bênh và vụng về để nắm bắt sự phức tạp khó hiểu về sự thấu cảm, ngay cả một nỗ lực bấp bênh và vụng về để hiểu được sự phức tạp khó hiểu trong ý nghĩa của họ cũng hữu ích, mặc dù chắc chắn rằng sẽ hữu ích hơn khi có thể thấy rõ ý nghĩa của những trải nghiệm đang khi thân chủ thấy rối rắm và chưa rõ ràng.

7) Tôi có thể chấp nhận mọi khía cạnh mà người khác thể hiện với tôi không? Tôi có thể chấp nhận họ như họ là? Tôi có thể giao tiếp với họ bằng thái độ này? Hay tôi chỉ chấp nhận họ với điều kiện, chấp thuận một số khía cạnh trong cảm xúc của họ, và ngấm ngầm hoặc công khai không chấp nhận những khía cạnh khác? Nếu thái độ của tôi bị điều kiện hóa, thì người khác không thay đổi hoặc phát triển được, ít nhất là ở những khía cạnh mà tôi đã không thể chấp nhận hoàn toàn.

8) Tôi có thể giúp người kia thoát khỏi lo ngại về việc đánh giá vẻ bề ngoài không? Tất nhiên, giống như những người khác, tôi có xu hướng đưa ra những đánh giá như vậy. Nhưng theo tôi, chúng không có ích gì cho sự phát triển cá nhân, do đó không góp phần tạo ra mối quan hệ giúp đỡ. Tuy nhiên, những đánh giá tích cực về lâu dài cũng có nguy cơ như đánh giá tiêu cực, vì nói rằng ai đó tốt cũng hàm ý có quyền nói họ xấu. Tôi muốn tiến tới một mối quan hệ mà tôi không đề cao thân chủ, cũng không đánh giá cao cảm xúc của mình. Chỉ bằng cách này, tôi sẽ để thân chủ hoàn toàn tự do trở thành một người chịu trách nhiệm về mình.

9) Tôi có thể nhận ra ở người kia một người đang tham gia vào tiến trình “trở thành”, anh ta sẽ không bị giới hạn trong nhận thức của tôi bởi quá khứ của anh ta và quá khứ của tôi? Martin Buber (trích dẫn trong Rogers, 1994, 84), nhà triết học hiện sinh của Đại học Giêrusalem, có một diễn đạt rất có ý nghĩa: “xác nhận người khác”. Ông nói: “xác nhận nghĩa là... chấp nhận toàn bộ tiềm năng của người kia... tôi có thể tìm thấy ở anh ấy, biết ở anh ấy, con người để trở thành người được tạo dựng... Tôi xác nhận anh ấy trong tôi, và sau đó anh ấy, liên quan đến tiềm năng này rằng… bây giờ có thể được phát triển, có thể tự phát triển.” Nếu tôi chấp nhận người kia như một thứ gì đó cứng nhắc, đã được chẩn đoán và phân loại, đã được hình thành từ quá khứ của anh ta, khi đó tôi đang góp phần xác nhận giả thuyết hạn hẹp này. Thay vào đó, nếu tôi chấp nhận anh ta như một tiến trình để trở thành, tôi sẽ góp phần, trong giới hạn khả năng của mình, xác nhận và thực hiện tiềm năng của anh ta.

Do đó, Rogers (1994, 85) có ấn tượng rằng mối tương quan “giúp đỡ” tối ưu là mối tương quan được thiết lập bởi một người trưởng thành về mặt tâm lý. Nói cách khác, đó là mức độ mà người ta có thể tạo ra một mối tương quan có khả năng tạo điều kiện cho sự “phát triển” những người khác với tư cách là những cá nhân riêng biệt. Ở một khía cạnh nào đó, ý tưởng này “gây phiền toái” nhà trị liệu, nhưng nó cũng có thể kích thích và khiến chúng ta nhìn ra những chân trời mới. Nó có thể có nghĩa là nếu anh ta quan tâm đến việc tạo ra các mối tương quan giúp đỡ, anh ta có một nhiệm vụ hấp dẫn phía trước. Đó là mở rộng và phát triển tiềm năng của mình theo hướng phát triển tâm lý.

KẾT LUẬN

Chúng ta vừa lướt qua những điểm rất quan trọng và cũng rất tuyệt vời trong học thuyết của Rogers. Những cột trụ trong học thuyết của ông rất nhân bản và đầy tinh thần Kitô giáo: chấp nhận tích cực vô điều kiện, sự thấu cảm và sự trung thực. Một nhà trị liệu có những phẩm tính như ông trình bày sẽ dễ dàng trở thành nhà trị liệu giỏi, có hiệu quả. Hơn nữa, với những phẩm tính đó, nhà trị liệu cũng sẽ là một người tốt, một người thiện tâm, một người bác ái đúng với tinh thần Kitô giáo.

Đến đây, có người thắc mắc: Tại sao lại là “tập trung vào thân chủ”, chứ không phải là “tập trung vào người bệnh” vì chúng ta đang bàn đến một phương pháp tâm lý trị liệu mà? Rogers không muốn dán nhãn bất cứ ai đến nhờ ông tham vấn hay chữa trị. Khi nói rằng một ai đó là “bệnh nhân”, hàm ý họ đang mắc bệnh. Rogers không muốn dùng từ ngữ mang tính tiêu cực như thế. Bên cạnh đó, những người đến với Rogers đâu phải tất cả thực sự “có vấn đề”! Một bà mẹ rất tốt lành, rất khỏe mạnh và quân bình đến xin tư vấn cho đứa con đang gặp khủng hoảng tuổi mới lớn. Bà ta không thể là một “bệnh nhân” theo bất cứ nghĩa nào.

Chúng ta biết rằng, về sau, Rogers áp dụng quan điểm của mình một cách sâu rộng hơn ở các môi trường khác không thuộc tâm lý trị liệu, và làm việc với các nhóm người không phải là thân chủ (những nhóm gặp gỡ, giáo dục, quản lý, giải quyết xung đột…). Điều đó khiến Rogers đặt lại tên cho phương pháp của mình là “nhân vị - trọng tâm” (person-centred) để phản ảnh sự chuyển đổi đối tượng của phương pháp không chỉ bao gồm những thân chủ trong tâm lý trị liệu mà còn nhắm đến bản chất con người và các mối tương tác xã hội nói chung.

Chúng ta sẽ có dịp nói đến những thành quả của Rogers trong lãnh vực giáo dục ở những bài viết kế tiếp. Những đóng góp đó thật tuyệt vời và hữu ích cho những ai quan tâm đến lãnh vực giáo dục và đạo tạo.

Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn

Lễ kính Sinh nhật Đức Maria, 08.09.2020

Lm. Giuse Đặng Chí Lĩnh

SÁCH THAM KHẢO

ARIANO G. (1990), La terapia centrata sulla persona. Prospettive critiche, Milano, Giuffrè Editore.

CONTE A. – R. PICONE (1983), Il terapeuta efficace. Psicoterapia rogersiana e neorogersiana, Roma, Kappa.

CONTE A. – S. ROSCIONI (s.a.), Approccio rogersiano e tossicomania, Civitavecchia, Centro Italiano Psicologia Clinica.

CUGINI M. E. (1996), Obiettivo persona. Manuale di autoformazione e psicoterapia nell’approccio rogersiano e post-rogersiano applicato, Roma, Melusina.

ROGERS C. – B. STEVENS (1987), Da persona a persona. Il problema di essere umani, Roma, Astrolabio.

ROGERS C. R. – G. M. KINGET (1970), Psicoterapia e relazioni umane. Teoria e pratica della terapia non direttiva, Torino, Boringhiri.

ROGERS C. R. (1971), Psicoterapia di consultazione. Nuove idee nella pratica clinica e sociale, Roma, Astrolabio.

ROGERS C. R. (1994), La terapia centrata-sul-cliente, a cura di Augusto Polmonari e Jan Rombauts, Firenze, Martinelli.

ROGERS C. R. (1997), Terapia centrata sul cliente, a cura di Lucia Lumbelli, Firenze, La Nuova Italia.

VISCONTI W. (1997),  Rogers Carl, in PRELLEZO J. M. (coord.) – C. NANNI – G. MALIZIA (1997), Dizionario di scienze dell’educazione, Leumann – Torino – Roma, Elle Di Ci – SEI – LAS, 947-948.

TRANG MẠNG

https://tamlytreem.com/carl-rogers-va-liu-phap-than-ch-trng-tam/