Ơn gọi làm đẹp

Ơn gọi làm đẹp

Ơn gọi làm đẹp

Trong cuộc thi hoa hậu thế giới năm 2014, người ta thấy có nhiều băng rôn mang dòng chữ “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới”. Đây là câu nói mà văn hào Nga Dostoyevki đặt trên miệng của nhân vật Ippolit trong cuốn tiểu thuyết “Chàng Ngốc” được xuất bản năm 1868. Nhưng “Cái Đẹp” ở đây không phải là cái đẹp quyến rũ làm chúng ta xa cách với mục đích chân thật.

Theo văn hào Nga Dostoyevki, “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới là tình yêu nhân hậu chia sẻ nỗi đau đớn của người khác.” Đó là cái Đẹp của Vị Mục Tử “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Chúa Giêsu không những tỏ cho chúng ta thấy vẻ đẹp tuyệt vời của Người nhưng còn khơi dạy nơi chúng ta niềm hy vọng sẽ được trở nên xinh đẹp như chính Người. Nói cách khác, qua cuộc sống và cái chết của mình, Chúa Giêsu đã khơi dậy "ơn gọi làm đẹp" trong tâm hồn mỗi người chúng ta, đặc biệt là nơi các tu sĩ muốn theo sát Chúa Giêsu.

Thầy Eymardo Nguyễn Trọng Tôn là một người đã theo đuổi ơn gọi làm đẹp theo nghĩa này. Năm 1974 thầy đang học năm thứ hai Đại Học Văn Khoa Sài Gòn thì bỏ học để vào Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương. Sau năm 1975, cuộc sống có nhiều khó khăn, thầy đã tham gia vào việc sản xuất lúa gạo, đường mía, làm vườn, chăn nuôi của cộng đoàn. Đặc biệt nhờ biết nghề mộc nên thầy đóng giường, tủ, bàn ghế cho cộng đoàn. Đến thập niên 1980, thầy tham dự các lớp triết học và thần học ngay tại Đan Viện.

Năm 1992 khi tôi còn là tập sinh, thầy Tôn dạy lớp chúng tôi môn Thánh vịnh. Sau này khi đã khấn trọn đời, tôi thường gặp thầy lúc đến thư viện của Đan viện để mượn sách, lúc ấy thầy là phó thủ thư. Cũng vào năm 1992, Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, giám mục Đà Lạt nhờ Đan Viện giúp mục vụ cho giáo dân làng Diom B và anh chị em thôn Kinh Tế mới ở gần Đan Viện. Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng đã giao công việc này cho cha Phanxicô Lê Ngư và thầy Eymardo Nguyễn Trọng Tôn.

Diom B là một làng của người dân tộc K’Ho và Churu. Vào thời điểm đó, dân làng rất nghèo, cuộc sống đói khổ. Họ sống trong những căn nhà gỗ xiêu vẹo, rách nát. Nước uống thiếu vệ sinh. Trẻ em ăn mặc rách rưới, nheo nhóc, thất học. Người lớn thì đi làm thuê theo công nhật: có ngày được thuê, có ngày thất nghiệp, bữa no bữa đói. Tình trạng ở một số gia đình: chồng đi làm về uống rượu say sưa, đánh đập vợ con.

Đứng trước nỗi khổ cực của dân làng, thầy Tôn chạnh lòng thương và quyết tâm tìm mọi cách để cải thiện đời sống của  đồng bào Diom B. Năm 1993 nhờ các ân nhân giúp đỡ, thầy biết làm mộc nên giúp bà con trong làng xẻ gỗ, sửa chữa, và lợp mái tôn cho 20 căn nhà. Hai năm sau, thầy giúp làm thêm 20 căn nhà nữa.

Song song với việc sửa chữa nhà cửa, thầy còn giúp dân làng đào giếng để lấy nước sinh hoạt cho từng khu. Thầy cũng đi xin quần áo cũ ở các nơi để gửi cho dân làng Diom B.  Ngoài ra, để tăng thu nhập cho dân, thầy còn xúc tiến chương trình trợ giúp mỗi gia đình một con bò. Để giúp dân làng có việc làm tạm thời trước mắt, thầy xin Đan Viện thuê dân làng giúp nhổ cỏ, làm vườn, gặt lúa, chặt mía, làm đường, chăn bò trong Nhà Dòng. Thầy cũng nghĩ đến việc đào tạo nghề nghiệp ổn định trong tương lai cho dân làng, nên thầy đã gửi một số thiếu nữ đi học nghề may ở Sài Gòn, gửi một số thanh niên đi học các nghề thủ công ở Đồng Nai.

Thầy là người đa tài, đa năng, nhiệt tình và nhất là có tấm lòng yêu thương tha thiết đối với anh chị em người dân tộc, nên thầy đã làm được nhiều việc cho dân làng. Thầy biết tiếng Pháp nên đã làm đơn xin tổ chức “L’Enfant du Mékong” tài trợ để gửi các trẻ em trong làng trọ học miễn phí trong nhà của các cộng đoàn nữ tu ở Sài Gòn như Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp (10 em), Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (6 em), Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (25 em) và Dòng Chúa Quan Phòng (10 em).

Thầy biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp nên đã dịch một số sách tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Việt trong đó có cuốn “Vision 2000” của Mark Link (Viễn Tượng năm 2000). Thầy dịch sách, rồi lấy tiền công dịch thuật để lo cho dân làng. 

Về đời sống tâm linh, thầy dạy giáo lý cho trẻ em, người lớn, chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo và bí tích hôn phối. Thầy biết nhạc nên lập ra ca đoàn Diom B, tập hát cho họ, để họ hát một bài thánh ca lúc hiệp lễ bằng tiếng dân tộc K’Ho vào các ngày lễ sáng Chúa Nhật ở Đan Viện.

Thầy Tôn rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ dân làng Diom B. Tuy nhiên, thầy cũng cố gắng chu toàn bổn phận của một đan sĩ trong Đan Viện. Thầy tham dự đều đặn các giờ kinh phụng vụ, và làm các công việc do Bề Trên giao phó trong cộng đoàn. Đôi khi một vài anh em trong nhà nghĩ rằng thầy hơi “keo kiệt” với anh em, nhưng thực ra thầy dành hết mọi sự mình có để lo cho anh chị em nghèo người dân tộc.

Năm 1999 khi tôi đang là sinh viên thần học năm thứ ba ở Sài Gòn thì thầy được Viện phụ Giêrađô cho xuống Sài Gòn để học bổ túc về ngoại ngữ. Thầy sử dụng chiếc xe Honda 50 phân khối để chở tôi đi học Anh văn chung với Thầy vào các chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, còn chiều thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy thì hai anh em đi học Pháp văn. Có một lần chúng tôi được nghỉ học Anh văn do giáo viên đau bệnh, thầy chở tôi đi dự một buổi hoà nhạc miễn phí. Thầy tỏ ra thích thú với buổi hoà nhạc, còn tôi thì không. Thầy bảo tôi: “Đúng là Huyên có lỗ tai trâu, hay như vậy mà không biết thưởng thức”.

Tự bản chất con người ai cũng muốn trở nên xinh đẹp; thích tìm kiếm và nhìn ngắm những cảnh đẹp, vật đẹp, người đẹp; thích những vật hay những người thuộc về mình cũng đẹp; thích được người ta chiêm ngưỡng vì mình đẹp; và vì thế tìm mọi cách để làm đẹp cho mình và những vật hay những người thuộc về mình. Cái đẹp thật sự, cũng như tình bạn chân thật, thì luôn luôn là một niềm vui cho những người khác.

Các tu sĩ là một niềm vui đích thực cho những người khác, là kinh nghiệm về cái đẹp của sự tốt lành của Thiên Chúa, và thông truyền nó với tư cách là những hình ảnh của Thiên Chúa. Cái đẹp của đức ái thần linh được cảm nghiệm trong chiều sâu của trái tim, dẫn dắt chúng ta thắng vượt chủ nghĩa cá nhân, điều đang lan tràn trên thế giới. Đức bác ái là Cái Đẹp lan tỏa và biến đổi tất cả những ai chạm đến nó. 

Thầy Tôn đã theo đuổi “ơn gọi làm đẹp” như thế đó. Thầy đã phản ánh Cái Đẹp của vị Mục Tử hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Thầy đã dành hết thời giờ để lo làm đẹp cho đàn chiên mà Chúa đã trao phó cho thầy. Thầy đã lo cơm ăn, nước uống, áo mặc, nhà ở, việc học hành, nghề nghiệp, và đời sống tâm linh cho dân làng Diom B.

Tháng 7-2000 thầy được Tân Viện phụ Phanxicô trao trách nhiệm dạy Việt văn cho anh em Tập viện trong niên khoá 2000-2001. Thầy đang soạn bài cho môn này thì ngày 18-9-2000 thầy qua đời tai Đan Viện. Cái chết của thầy làm cho tôi bị sốc, bởi vì trước đó 4 tháng thầy còn chở tôi đi học ngoại ngữ hàng ngày.

Dân làng Diom B rất quí mến thầy. Ngày thầy mất, họ khóc thầy như thể con cái khóc khi cha mẹ của họ qua đời. Hàng năm vào ngày giỗ của thầy, dân làng kéo nhau đến nguyện đường của Đan Viện để tham dự thánh lễ, sau đó ra viếng mộ, cắm hoa, thắp nhang cầu nguyện cho thầy. Ngày nay, bất cứ nhà nào của người Công giáo Diom B cũng có tấm ảnh chân dung của thầy Tôn đặt ở nơi trang trọng.

Mỗi lần nhắc đến thầy Eymardo Tôn làm tôi nhớ đến câu Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17). Thầy đã qua đời 20 năm rồi, nhưng hình ảnh của một đan sĩ vừa trí thức, vừa chăm chỉ lao động chân tay, vừa hết lòng phục vụ anh em trong cộng đoàn, lại quên mình phục vụ người nghèo đã để lại một tấm gương về yêu thương và phục vụ cho tôi, cho cộng đoàn, cũng như cho mọi người trong Diom B.